Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, cả tỉnh Khánh Hòa có 10 hướng dẫn viên tiếng Trung, trong khi đó trung bình mỗi ngày Nha Trang đón trên 1.000 khách Trung Quốc. Sự thiếu hụt hướng dẫn viên cùng với lượng khách Trung Quốc tăng đột biến khiến người Trung Quốc có cơ hội hành nghề chui, theo ông Nguyễn Văn Thành, phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang.
Tại Đà Nẵng, với lượng khách Trung Quốc tương đương và có hơn 360 hướng dẫn viên tiếng Trung. Con số này đủ để đáp ứng cho các tour, nhưng tình trạng người Trung Quốc hướng dẫn chui vẫn xảy ra.
Theo ông Cao Trí Dũng, chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng, “các trưởng đoàn người Trung Quốc đã lấn sân làm nhiệm vụ thuyết minh”. Bản chất của tình trạng này xuất phát từ cách thức khai thác khách và tìm kiếm lợi nhuận của một số công ty lữ hành Trung Quốc, ông Dũng cho biết.
“Họ đang làm tour lỗ, tour 0 đồng, thậm chí chịu lỗ khoảng 100-150 USD mỗi khách (khoảng 2,2 - 3,3 triệu đồng) để bán giá tour rất thấp tại Trung Quốc và thu lại bằng nhiều cách khi khách đến Việt Nam. Chính vì vậy họ cần có trưởng đoàn người Trung Quốc đi theo để trực tiếp bán hàng, thuyết phục khách, quản lý thu chi”, ông Dũng nói.
Một hướng dẫn viên tiếng Trung tại Đà Nẵng cho biết tour 6 ngày 7 đêm tại Việt Nam được công ty Trung Quốc bán với giá 650 nhân dân tệ (khoảng 2,1 triệu đồng), trong khi trung bình tour này có giá khoảng 1.000 tệ (khoảng 3,3 triệu). “Họ bán phá giá khiến nhiều công ty lữ hành làm ăn chính đáng không có khách”.
Một hướng dẫn viên tiếng Trung khác tại Nha Trang thông tin thêm, có công ty không trả phí cho hướng dẫn viên mà thậm chí còn yêu cầu họ “mua đầu khách với giá 1,7 triệu/người mới cho dẫn đoàn”.
“Như vậy, nếu chấp thuận chúng tôi như đánh cược vì phải dùng mọi thủ đoạn để chặt chém, móc túi từ việc chăn dắt khách mua sắm. Điều này không đúng với đạo đức cũng như nghề nghiệp nên chúng tôi không bao giờ đồng ý. Do đó, công ty để hầu hết tour cho người Trung Quốc hướng dẫn”, anh này nói.
Kinh nghiệm dẹp hướng dẫn chui
Ông Lưu Đức Kế, giám đốc Công ty Hanoitourist cho biết hướng dẫn viên Trung Quốc hoạt động chui, chất lượng tour, dịch vụ thấp… không phải mới xuất hiện và chỉ ở Đà Nẵng, Nha Trang, mà từng là vấn đề nhức nhối của du lịch Lạng Sơn cách đây hơn chục năm. Thời gian đó, khi đưa khách sang Việt Nam, các công ty Trung Quốc thường nợ tiền và trả sau khi tour kết thúc.
“Có công ty Việt bị các công ty Trung Quốc khống chế vì sợ mất nợ nên phải nhượng bộ, giảm 10-20 tệ (khoảng 33.000 - 66.000 đồng), thậm chí đến 50 tệ (khoảng 165.000 đồng) để có khách. Trong khi năng lực đón khách có hạn, thiếu hướng dẫn viên, họ phải đi thuê cả hướng dẫn viên không có thẻ, thậm chí bán khách cho hướng dẫn viên để thu tiền về”, ông Kế kể lại và cho biết Lạng Sơn đã hạn chế được tình trạng này khi có sự vào cuộc của các ngành chức năng.
Theo Tổng cục Du lịch, cả nước có trên 1.500 hướng dẫn viên tiếng Trung. Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng khi điều động hướng dẫn viên về các điểm có khách thì lực lượng này “thừa” đáp ứng cho các đoàn Trung Quốc đến nhưng họ lại không được thuê. “Giá thành của tour phải bao gồm chi phí dành cho hướng dẫn. Công ty không có chi phí dành cho hướng dẫn nghĩa là đã vi phạm”.
Theo ông Bình, lượng khách Trung Quốc tăng trưỏng ồ ạt mà thiếu sự điều tiết của các cơ quan quản lý sẽ tất yếu dẫn đến tình trạng người Trung Quốc lũng đoạn thị trường. Bên cạnh đó một số người Việt Nam cũng tiếp tay cho các công ty Trung Quốc hoạt động trái phép.
“Các hướng dẫn viên chui chỉ có thể ép khách Trung Quốc mua hàng, tham quan ngoài tour khi có sự đồng lõa của người Việt”, ông Bình nhận định. Nhiều nhà hàng, khách sạn, cửa hàng, công ty du lịch mang danh nghĩa người Việt nhưng thực chất do người Trung Quốc mua lại, điều hành và đón khách theo tour khép kín để dễ dàng trục lợi. Tình trạng này xuất hiện tại các điểm du lịch tập trung đông khách Trung Quốc như Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Ninh, ông Bình nói.
Hoạt động hướng dẫn chui, kinh doanh núp bóng của người Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi du khách (bị chặt chém, chăn dắt, móc túi), tổn hại về kinh tế của Việt Nam (thất thu thuế) mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh điểm đến (do du khách không có thời gian khám phá cái hay, cái đẹp của điểm đến mà bị kéo mua hàng giá đắt, đi tour tự chọn giá cao…
Việc hướng dẫn viên nước ngoài làm việc trái phép trên lãnh thổ Việt Nam còn gây tác động tiêu cực về mặt chính trị, nếu họ xuyên tạc lịch sử và văn hóa. "Họ giới thiệu bậy bạ có thể do không hiểu biết hoặc có chủ đích bêu riếu Việt Nam”, ông Bình nhận xét.
Xem thêm: Người Trung Quốc hoạt động du lịch 'chui' ở Khánh Hòa