Thứ sáu, 26/4/2024
Thứ tư, 8/5/2019, 02:08 (GMT+7)

Nét tương đồng của hai ngôi chùa kỷ lục ở Hà Nam và Ninh Bình

Chùa Tam Chúc và Bái Đính có nhiều điểm tương đồng trong vị trí, kiến trúc, tượng Phật và dịch vụ.

Cả hai ngôi chùa đều hướng ra một hồ nước rộng phía trước. Hồ Đàm Thị trước chùa Bái Đính, Ninh Bình (ảnh trái) có diện tích sau mở rộng là 100 ha. Còn hồ Tam Chúc, Hà Nam (phải) được ví như “vịnh Hạ Long trên cạn” có diện tích 600 ha.

Khu du lịch tâm linh Bái Đính rộng hơn 500 ha với 80 ha xây chùa, phần còn lại dành cho các công trình như nhà hàng, khách sạn, vườn hoa… Quần thể chùa Tam Chúc có diện tích 5.100 ha, trong đó mặt bằng chùa chiếm 144 ha, 3.000 ha núi đá, rừng tự nhiên... Ảnh trái: Kien1980v.

Cả hai ngôi chùa đều quy hoạch bãi gửi xe cách cổng tam quan ngoại – lối vào chùa khoảng 2-3 km. Du khách có thể đi bộ hoặc sử dụng dịch vụ xe điện để vào trong. Giá vé xe điện khứ hồi là 60.000 đồng một người lớn và 40.000 đồng với trẻ em.
Ảnh trái là lối vào chùa Bái Đính, ảnh phải là con đường dẫn đến chùa Tam Chúc vẫn đang được xây dựng.

Hành lang dẫn lên các đại điện tại hai ngôi chùa.

Chùa Bái Đính đạt kỷ lục hành lang La Hán dài nhất châu Á (ảnh trái) với 234 gian, dài gần 3 km. Đây cũng là ngôi chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam với tổng số 500 pho tượng làm bằng đá.

Tại chùa Tam Chúc (phải), hành lang đang hoàn thiện một phần với kiến trúc gần giống chùa Bái Đính nhưng lan can làm bằng đá thay vì gỗ. Dọc theo hành lang đã để sẵn những ô trống đặt tượng sau này.

Chùa Bái Đính và Tam Chúc đều có các công trình chính gồm Tam Quan, điện thờ Quán Thế Âm, điện thờ Pháp Chủ và điện Tam Thế nằm theo thứ bậc cao dần tính từ cổng vào. Hai quần thể chùa này do cùng một đơn vị tư nhân đầu tư xây dựng.

Điểm khác biệt nằm tại công trình nối Tam quan với điện Quán Thế Âm. Ở chùa Bái Đính là tòa tháp chuông, trong khi chùa Tam Chúc dựng lên những cột kinh bằng đá.

Cả hai ngôi chùa đều có những công trình, đồ vật mô phỏng An Nam tứ đại khí đã mất gồm tháp Báo Thiên, tượng Phật chùa Quỳnh Lâm, chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh.

Chùa Bái Đính đang sở hữu quả chuông nặng 36 tấn, cao 5,5 m và chiếc trống đồng 70 tấn, cao 4,7 m. Trên bề mặt chuông có các nội dung viết bằng tiếng Việt và tiếng Hán.

Sân chùa Tam Chúc đặt chiếc vạc đồng cao khoảng 4 m. Trên bề mặt khắc đoạn giới thiệu về thiền sư Nguyễn Minh Không bằng ba thứ tiếng Việt, Hán và Anh. Ở phần cuối cũng nhắc đến việc chùa Tam Chúc sẽ phục dựng tứ đại khí.

Cả hai ngôi chùa đều xây tháp nằm ở vị trí cao, mang đến tầm nhìn toàn cảnh. Tháp Báo Thiên chùa Bái Đính (trái) cao 13 tầng, bên trong chứa xá lợi Phật từ Ấn Độ. Với chiều cao 100 m, công trình này đạt kỷ lục “Bảo tháp cao nhất Đông Nam Á”. Khách muốn lên bảo tháp phải trả phí 50.000 đồng (đi thang máy).

Chùa Ngọc nằm trên đỉnh núi cao 468 m, thuộc quần thể chùa Tam Chúc (phải). Chùa Ngọc cao 13 m, rộng 36 m2 được xem là một trong những kiệt tác về kiến trúc đá tại Việt Nam. Toàn bộ công trình làm bằng đá granit đỏ nặng hơn 2.000 tấn, các khớp nối sử dụng mộng đá thay vì xi măng.

Mặt trước điện Quán Thế Âm Bồ Tát tại hai ngôi chùa có nhiều điểm tương đồng về kiến trúc.

Tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn bằng đồng dát vàng lớn nhất Việt Nam cao 9,6 m (tính cả bệ), nặng 80 tấn tại chùa Bái Đính (trái). Pho tượng Quan Âm tại chùa Tam Chúc (phải) cũng đúc bằng đồng, nặng 100 tấn.

Tượng Phật Thích Ca trong điện Pháp Chủ chùa Bái Đính (trái) đạt kỷ lục “Pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng lớn nhất Việt Nam” với chiều cao 10 m, nặng 100 tấn.

Tại điện Pháp Chủ chùa Tam Chúc (phải), bức tượng Phật Thích Ca cũng được chế tác từ đồng nguyên khối, nặng 150 tấn nhưng chưa được xác nhận kỷ lục. Ảnh được chụp vào tháng 12/2018 khi bức tượng đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Tượng Tam Thế trong chùa Bái Đính (trái) làm từ đồng nguyên khối dát vàng. Mỗi pho tượng cao gần 9 m (tính cả bệ) và nặng 50 tấn. Năm 2007, bộ tượng này xác lập kỷ lục “Ngôi chùa có bộ tượng Tam Thế bằng đồng lớn nhất Việt Nam”.

Tại chùa Tam Chúc cũng có ba vị Phật làm bằng đồng đen với lá bồ đề dát vàng phía sau, trọng lượng lên tới 200 tấn mỗi bức tượng.

Gần như toàn bộ tường trong chùa Bái Đính (trái) phủ kín những ô tủ kính nhỏ, bên trong đặt tượng Phật. Phía ngoài những ô cửa này là mảnh giấy ghi tên, tuổi, địa chỉ người đã đóng góp cho việc xây dựng chùa.

Tại chùa Tam Chúc, các bức tường trong điện thờ được ghép từ 12.000 bức phù điêu làm từ đá núi lửa, diễn tả lại những điển tích, truyền thuyết về cuộc đời Đức Phật.

Cả hai chùa đều bố trí khu vực nhà ăn ở dưới điện Tam Thế với dãy bàn ở giữa, xung quanh là các quầy bán đồ ăn, thức uống.

Kiều Dương

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net