Thứ năm, 21/11/2024
Thứ hai, 19/8/2019, 15:50 (GMT+7)

Nét đẹp sinh hoạt văn hóa quanh nhà rông Kon Tum

Các hoạt động như biểu diễn cồng chiêng, múa xoang hay giã gạo quanh nhà rông ở Kon Tum gây ấn tượng với du khách tham quan.

Hai phụ nữ Ba Na đang giã gạo và sàng ngô trước nhà rông Kon K’ri, nằm bên dòng sông Đăk Bla (xã Đắk Rơ Wa, TP Kon Tum).

Nhà rông ở Tây Nguyên được biết đến như “trái tim” của các buôn làng. Tại Kon Tum, nhà rông là kiểu nhà sàn đặc trưng, được xây dựng hoàn toàn bằng tranh, tre, nứa, lá với phần mái vững chãi.

Nhà rông Kon K’ri nhìn từ trong ra ngoài.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Thái (thường gọi Thái Bana, sống tại Kon Tum) cho biết anh dành nhiều năm ghi lại chân dung của người dân và nét đẹp sinh hoạt văn hóa truyền thống quanh các nhà rông ở Kon Tum.

Một già làng đang cặm cụi đan sọt. Nguyên liệu dùng để đan lát được khai thác từ thiên nhiên như tre, nứa. Các sản phẩm đan được ưa chuộng nhất là rá, rổ, gùi và giỏ. Nghề đan lát này giúp cải thiện đời sống gia đình, đồng thời được truyền dạy trong làng, lưu giữ một nét văn hóa đẹp.

Một phụ nữ Ba Na, vừa chăm con, vừa làm việc tại nhà rông làng Kon K’ri. Đối với người dân tộc Tây Nguyên, nếu như nam biết đánh đàn, chế tác nhạc cụ thì nữ múa xoang đẹp và giỏi dệt thổ cẩm.

Các sản phẩm thổ cẩm từ trang phục váy, áo, khố đến phụ kiện như túi xách, khăn, ví không chỉ dùng trong sinh hoạt gia đình, mà còn trở thành hàng hóa phục vụ khách du lịch, hoạt động văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Kon Tum.

Một già làng đang hướng dẫn cho hai đứa trẻ dùng nhạc cụ truyền thống. Tại các buôn làng, già làng là những người có kinh nghiệm trong cuộc sống, có uy tín trong gia đình và cộng đồng.

Tại khu vực quanh nhà rông, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh trẻ em hồn nhiên, đôi khi còn đùa nghịch với các con vật nuôi như chó, mèo.

Một già làng đang tỉ mỉ điêu khắc tượng gỗ dân gian tại làng Kon Klor (TP Kon Tum). Tại làng có nhà rông Kon Klor, được xem là một trong những nhà rông lớn nhất Tây Nguyên.

“Điêu khắc tượng gỗ là loại nghệ thuật tạo hình mang sắc thái riêng, không chỉ được trưng bày, tô điểm cho nhà rông và các điểm giao lưu văn hóa ở Kon Tum, mà còn mang ý nghĩa đặc biệt đối với các dân tộc như Ba Na, Gia Rai khi bày tỏ ý niệm tâm linh giữa người trong gia đình đang sống với người thân trong gia đình đã mất”, anh Thái Bana cho biết.

Tác phẩm “Đôi mắt Bana” của Thái Bana đoạt huy chương đồng thể loại ảnh chân dung tại Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ 23 năm 2018.

“Vũ điệu cồng chiêng và múa xoang” rộn rã quanh ánh lửa phía trước sân nhà rông Kon K’ri.

“Mỗi khi tiếng cồng, chiêng vang lên trong các lễ hội hay sinh hoạt văn hóa, dân làng không phân biệt già trẻ, gái trai cùng nắm tay nhau, chân bước nhịp nhàng cùng điệu xoang, khiến không khí tưng bừng và lôi cuốn lữ khách”, anh Thái Bana chia sẻ.

Nhà rông Kon Gu (xã Ngọk Wang, huyện huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) dưới bầu trời đầy sao.

Hiện việc quản lý các nhà rông được chính quyền địa phương Kon Tum thắt chặt do công trình làm bằng tre nứa và lợp cỏ tranh nên dễ bắt lửa, đặc biệt là vào mùa khô.

Huỳnh Phương

Ảnh: Thái Bana

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net