Lượng khách Trung Quốc đã bù lấp số khách Nga sụt giảm ở Nha Trang thời gian qua, nhưng cũng đặt ra thách thức với đội ngũ quản lý và hướng dẫn viên ở địa phương.
Vươn lên vị trí số 1
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Văn Thành, phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang cho biết trước đây Nga là thị trường khách dẫn đầu của du lịch Nha Trang, nhưng những năm gần đây, khách Trung Quốc đã vươn lên vị trí số 1. Năm 2015, lượng khách Trung Quốc đến Nha Trang đạt khoảng 180.000 lượt, tăng gấp 5 lần so với năm 2014. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm nay, gần 110.000 lượt khách Trung Quốc đã đến Nha Trang và tiếp tục tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó, khách Nga là khoảng 40.000 lượt.
Theo ông Thành, trước bối cảnh công suất phòng đi xuống do lượng khách Nga sụt giảm, khách Trung Quốc đã giúp bù lấp vào khoảng trống này, nhất là vào mùa thấp điểm. Nhiều dịch vụ du lịch được mở rộng, các khách sạn, resort cũng được xây mới để đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường khách mới.
Bà Lê Nguyễn Mai Hoa, Phó Tổng giám đốc Vietnamtourism – Hanoi cho biết trước đây, nguồn khách quốc tế của công ty chủ yếu đến từ thị trường Tây Âu. Nhưng với việc khai thác các chuyến charter bay thẳng đến Nha Trang, lượng khách Trung Quốc đã có sự thay đổi lớn, hiện chiếm 2/3 tổng lượng khách quốc tế của công ty.
Khách Trung Quốc là thị trường truyền thống của du lịch Việt Nam nhưng đã có sự thay đổi về chất trong thời gian gần đây khi chuyển dịch phương tiện đến từ đường bộ sang đường hàng không. Theo bà Hoa, khách Trung Quốc thường lưu trú tại các khách sạn cao cấp, có khả năng chi trả cao, thường đi theo đoàn và rất thích mua sắm.
“Với vị trí địa lý gần với Việt Nam, có thể di chuyển dễ dàng bằng đường bộ và hàng không, dân số hơn một tỷ dân, Trung Quốc là thị trường khách lớn, góp phần giúp du lịch Việt Nam đạt mục tiêu 12-15 triệu khách đến năm 2020”, bà Hoa nhận định.
Thiếu hướng dẫn viên
Tuy nhiên, lượng khách Trung Quốc tăng đột biến cũng khiến du lịch Nha Trang và các công ty lữ hành đón khách tại đây phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo bà Hoa, cơ sở hạ tầng, dịch vụ ở các khu du lịch biển vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tăng cao của khách. “Khách Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến chất lượng khách sạn và họ thường ở các khách sạn 3-5 sao. Trong khi đó, tại Nha Trang thường xảy ra tình trạng ‘cháy’ phòng vào các đợt cao điểm như lễ, tết hay hè”.
Một vấn đề khác là sự thiếu hụt đội ngũ hướng dẫn viên nói tiếng Trung. Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Khánh Hòa, tại Nha Trang chỉ có 10 hướng dẫn viên tiếng Trung được cấp thẻ, trong khi mỗi ngày gần 10 chuyến bay đưa khách từ các thành phố của Trung Quốc đến đây. “Phần đông khách Trung Quốc không nói được tiếng Anh nên đòi hỏi hướng dẫn viên phải chăm sóc từ sáng đến tối, như hướng dẫn cách đi lại, tìm nơi mua sắm”, bà Hoa giãi bày.
Hệ lụy từ việc thiếu hụt hướng dẫn viên là tình trạng hướng dẫn viên chui diễn ra rất phố biến. Một hướng dẫn viên tiếng Trung giấu tên tại Nha Trang với hơn 20 năm kinh nghiệm cho biết, chiêu qua mặt các cơ quan chức năng của một số công ty du lịch là thuê sinh viên ngoại ngữ mới ra trường, biết tiếng Trung, đi cùng đoàn để đối phó, còn việc hướng dẫn chủ yếu thuộc về tour leader người Trung Quốc (chăm sóc đoàn). “Không chỉ dẫn khách không đúng tour, tuyến, các hướng dẫn viên chui này còn có thể xuyên tạc lịch sử, văn hóa tại các điểm tham quan", anh này bức xúc.
Trong một hội nghị cuối tháng 4, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Khánh Hòa cũng nhìn nhận một số vấn đề bất cập phát sinh từ dòng khách Trung Quốc tăng đột biến, đó là tình trạng doanh nghiệp đua nhau giảm giá để cạnh tranh khiến chất lượng phục vụ ngày càng thấp, doanh nghiệp du lịch Trung Quốc núp bóng hoạt động kinh doanh.
Theo Bà Phan Thanh Trúc, Phó Giám đốc Sở, điều này không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro mà còn gây thất thu cho ngân sách nhà nước và làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa.
Xem thêm: Khách Trung Quốc ồ ạt đến Nha Trang