Thứ năm, 9/1/2025
Thứ năm, 8/8/2019, 02:08 (GMT+7)

Hội quán cổ bậc nhất của người Hoa ở Sài Gòn

Không chỉ là ngôi miếu có lịch sử lâu đời, Tuệ Thành Hội quán (quận 5) còn là điểm tham quan của đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Tuệ Thành Hội quán (còn gọi là Chùa Bà Thiên Hậu hay Chùa Bà Chợ Lớn) là một trong những ngôi chùa cổ nhất của người Hoa, hiện tọa lạc trên đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP HCM.

Theo các tài liệu văn bia tại chùa, vào khoảng năm 1760, nhiều thương gia Quảng Châu (Trung Quốc) đi tàu sang Việt Nam để buôn bán làm ăn và trên các tàu đều thờ Thánh Mẫu để phù hộ. Lúc bấy giờ, tàu bè đi biển phải trông theo hướng gió, các thương gia thường phải ở lại Việt Nam vài ba tháng mỗi năm nên nhiều người đã hùn tiền xây miếu để thờ Bà và xây dựng Hội quán để làm nơi dừng chân.

Quần thể tiếu tượng gốm trên nóc chùa được xem là đặc sắc nhất, xuất hiện từ năm 1908. Trên đỉnh tượng là hình "Lưỡng long tranh châu", tầng giữa là hình "Thầy trò Đường Tăng", "Ba tiêu động"... và những tiếu tượng trong các điển cố của người Hoa. Phần đáy là hình theo truyện cổ "Bát tiên quá hải".

Bức phù điêu bên sân chùa dùng công nghệ chạm gạch. Đây là một loại điêu khắc nổi tiếng của Trung Quốc dùng đục và búa gỗ chạm khắc các hình tượng người và cảnh vật trên gạch để trang trí nội ngoại thất lăng miếu.

Trải qua nhiều đợt trùng tu, chùa vẫn giữ được nét đặc trưng với phong cách kiến trúc cổ xưa và độc đáo của người Hoa.

Kiến trúc chùa xây theo hình ấn, là tổ hợp các ngôi nhà liên kết nhau tạo thành mặt bằng giống hình chữ "khẩu" hoặc chữ "quốc". Ba dãy nhà ở giữa tạo thành tiền điện, trung điện và hậu điện.

Tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu được thờ trong chính điện. Tượng tạc từ một khối gỗ nguyên cao một m, có từ trước khi xây chùa, vốn được thờ ở Biên Hòa, đến năm 1836 mới di chuyển về hội quán này. Bà Thiên Hậu được xem như vị thần bảo trợ của ngư phủ và người đi biển, được tôn kính đặc biệt trong Phật giáo và Đạo giáo ở các quốc gia Đông Á.

Thống kê của ban quản trị hội quán, nơi đây hiện có gần 400 đồ cổ, trong đó gồm 7 pho tượng thần, 6 tượng đá, 9 bia đá, 4 lư hương đồng... Bộ lư hương lớn nhất đặt tại trung điện có niên hiệu Quang Tự thứ 12 (năm 1886).

Điểm nhấn của chùa còn là những chiếc nhang vòng treo trên cao. Người viếng có thể mua nhang vòng, ghi lại những lời chúc, tâm nguyện của mình lên giấy. Sau đó người quản chùa sẽ treo nhang lên cao như gửi lời cầu nguyện tới Bà.

Nhóm sinh viên TP HCM thắp nhang tại khu vực thiên tỉnh (giếng trời), nơi thoáng đãng, đủ ánh sáng cho hậu cung và cũng là chỗ thoát khói hương trong chùa.

Theo ban quản trị, chùa thường đông khách đến viếng và tham quan vào các dịp lễ, tết đầu năm và ngày rằm trong tháng như Tết Nguyên đán, Nguyên tiêu, Đoan Ngọ, lễ vía bà Thiên Hậu (23 tháng 3 Âm lịch).

Hai dãy hành lang chùa dán đầy những tờ giấy ghi tên và tiền công đức của khách thập phương.

Vào dịp cận Tết, chùa Bà Thiên Hậu còn thu hút hàng trăm đoàn lân sư rồng từ TP HCM, Bình Dương... đổ về để "xin lộc cầu may mắn". Lễ nghi này có tên gọi "khai quang điểm nhãn" với ý nghĩa cầu mong một năm mới yên vui, thịnh vượng và ăn nên làm ra.

Thành Nguyễn

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net