Ở thành phố ngàn hoa, bánh căn là một đặc sản, bên cạnh bánh mì xíu mại, bánh tráng nướng, sữa đậu nướng, kem bơ...
Các hàng bánh căn ở đây đa dạng về quy mô, giá cả. Trong đó, có những nơi không phổ biến với khách du lịch nhưng lại thu hút lượng lớn người dân địa phương. Hàng bánh căn gần trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, đường Yersin, là một nơi như vậy.
Quán có không gian bình dân với mái che tạm, bếp lửa, khuôn bánh, chiếc bàn dài và vài bộ bàn ghế con. Ấy vậy mà rất đông người chờ tới lượt phục vụ.
Đầu bếp 60 tuổi liên tay đổ bột, bóc trứng cút cho vào khuôn. "Nhờ làm việc thế này nên tôi khỏe đấy", người chủ vừa làm vừa trò chuyện với khách. Ông cho hay, quán bán cả ngày và chỉ nghỉ một lúc ban trưa. Mỗi ngày, tiệm làm hết 10 kg bột. "Hỏi tôi ngày đổ bao nhiêu cái thì khó lắm", ông chia sẻ.
Món này dùng chính độ nóng của khuôn đất để làm chín bánh, không dùng dầu mỡ, nên khi ăn sẽ không gây ngấy. Vị bánh mỗi nơi sẽ khác do gia giảm các gia vị. Ở đây vị bánh nhạt, hợp với người có vấn đề về tim mạch, người kiêng muối.
Bánh căn ốp theo cặp. Trứng cút sống được đập vào khi bột chưa chín. Lúc thưởng thức, người ta giở cặp bánh để ăn từng chiếc đơn lẻ. Màu vàng tươi của trứng cút ở giữa, trắng đục của bột bánh căn tạo vẻ hài hòa về màu sắc cho món ăn. Mặt bánh khi chín có độ tơi, ăn vào xốp chứ không khô. Vỏ bánh vàng ngà do tiếp xúc với khuôn đất, vừa chín tới.
Nếu thích vị đậm đà, bạn có thể chấm thêm nước mắm hoặc mắm nêm pha. Bánh căn Đà Lạt khác ở các nơi phần nhiều là nước chấm kèm. Trong khi các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, nước chấm cầu kỳ đủ loại thì Đà Lạt có hai loại.
Ở hàng này, hai loại nước chấm được chủ quán đầu tư chỉn chu, không quá nhạt cũng không quá mặn. Trong đó, mắm nêm có mùi thơm đặc trưng. Khách cũng có thể thử cả hai loại nước chấm trong một phần ăn.
Mỗi người ăn 5 cặp bánh căn (20.000 đồng) là no bụng cho bữa sáng. Giá tính theo phần bánh và xíu mại ăn kèm.
Dy Khoa