Nhiều gia đình có con nhỏ băn khoăn trẻ sẽ bị ốm hoặc gây trở ngại cho kỳ nghỉ hè ra biển của cả gia đình. Tuy nhiên, nếu chuẩn bị kỹ càng và chăm sóc trẻ chu đáo thì chuyến đi sẽ có tác dụng tốt với tinh thần và thể lực của trẻ, đồng thời giúp gia đình bạn có thêm nhiều kỷ niệm và gắn bó với nhau hơn.
Lựa chọn vùng biển sẽ đưa bé tới
Tham khảo trước những thông tin về bãi biển mà bạn định đưa gia đình mình tới là việc làm cần thiết. Những gì bạn cần quan tâm là một kỳ nghỉ an toàn, thú vị và những giây phút thư giãn bên nhau. Bởi vậy so với một bãi biển đẹp, hấp dẫn nhưng sóng lớn, có sự xuất hiện của rác, sứa, thậm chí là từng có cá mập... thì việc chọn một nơi yên tĩnh, ít đông và an toàn là điều nên làm khi bạn dẫn theo trẻ em.
Chọn phương tiện di chuyển
Máy bay, tàu hỏa, ô tô là những phương tiện phù hợp với chuyến du lịch của cả nhà. Nếu đi máy bay bạn hãy nhớ mang theo giấy khai sinh cho bé để làm thủ tục tại sân bay. Nếu đi bằng tàu hỏa hay ô tô ba mẹ cũng nên chọn vị trí có không gian thoáng và có chỗ nằm đầy đủ để bé và ba mẹ không bị mệt trong cả hành trình. Nên tránh chọn phương tiện xe máy bởi cả gia đình sẽ không có thời gian vui vẻ chuyện trò trên suốt chặng đường.
Chống say nắng cho bé từ trước
Khoảng hai tuần trước khi đi biển, bạn nên cho trẻ dùng bổ sung các loại vitamin A, E tùy theo tuổi và chỉ định của bác sĩ để bảo vệ sâu cho làn da bé. Các loại thực phẩm bổ sung và những bài tập thể dục tăng cường trước đó sẽ giúp bé nâng cao thể lực, chống lại tình trạng say nắng, say nóng và thoải mái nô đùa với sóng biển.
Mang theo các đồ dùng cần thiết
Ngoài kem chống nắng, áo tắm, mũ đội có vành, kính mát, khăn bông, áo choàng… bạn cũng đừng quên mang theo nước và cho bé uống đều đặn để bảo đảm sức khỏe. Nếu con bạn đang trong thời kỳ ăn dặm thì các mẹ nên mang theo bát, chén, thìa, cháo ăn liền, ruốc, nước rửa bình sữa, bình giữ nhiệt cho sữa. Đối với những bé lớn hơn, bạn cần chuẩn bị thêm đồ ăn nhẹ như bim bim, hoa quả... để luôn chủ động việc trẻ được ăn uống đầy đủ, đúng giờ.
Bạn cũng đừng quên mang theo những món đồ chơi mà bé thích, để nếu giữa đường bé quấy khóc có đồ chơi thân thuộc bên cạnh sẽ giúp bé vui vẻ và “dễ tính” hơn trong chuyến đi. Tuy nhiên không nên chiều hoàn toàn theo ý bé, hay mang theo những món đồ quá to và nặng.
Hành lý riêng cho trẻ
Bạn nên chuẩn bị cho trẻ một va li hành lý riêng sẽ rất thuận tiện trong việc chăm sóc trong cả chuyến đi, tốt nhất là chiếc va li dạng đẩy có thể gấp gọn. Đây sẽ là một vật dụng vô cùng hữu ích, có thể trở thành chiếc giường tạm khi bé mệt hay dùng để chở đồ đạc nếu ba, mẹ quá mỏi khi phải tay xách nách mang.
Giúp trẻ làm quen với biển
Nếu là lần đầu đưa bé ra biển, trước đó bạn hãy kể cho chúng nghe những câu chuyện thú vị về biển để khơi dậy sự háo hức. Khi đến nơi, hãy cho bé làm quen ở những nơi sóng nhỏ, gần bờ trước và dạy con khởi động trước khi xuống biển. Sau khi tắm biển, bạn hãy cùng bé đi dạo dọc bờ cát và đừng quên trò chuyện, kể cho con nghe những câu chuyện liên quan đến biển và sinh vật biển… để mở rộng vốn hiểu biết của bé với thế giới xung quanh.
Dạy trẻ cách đối phó với những tình huống nguy hiểm
Nếu con bạn đã biết bơi, hãy nhắc nhở trẻ nên tránh bơi ở vùng nước sâu, giúp con phân biệt sóng bạc đầu và dòng chảy xa bờ. Nếu không may gặp vùng nước xoáy, hãy bình tĩnh và từ từ bơi vòng ra khỏi vùng xoáy, tránh bơi thẳng vào bờ, đồng thời giơ tay lên cao để báo hiệu cho người khác rằng mình đang gặp sự cố và cần sự trợ giúp.
Bạn nên dạy cho trẻ biết về những quy tắc an toàn khi đi tàu, máy bay, trên biển, cảnh giác ở nơi công cộng hay những gì sẽ trải qua trong chuyến đi. Dặn dò con không nên đi với một người lạ và luôn nhớ số di động của bạn. Nếu trẻ quá nhỏ bạn có thể viết số điện thoại của bạn lên quần áo của trẻ, bên trong giày... Luôn có sẵn một bức ảnh gần đây của con bạn, điều đó không bao giờ thừa trong trường hợp chẳng may trẻ đi lạc.
Luôn để mắt và ở bên trẻ
Không nên để bé chơi một mình hoặc tự bơi ra biển ngay cả khi bé đã lớn và biết bơi bởi các bé khó chưa thể ứng phó với những sự cố bất ngờ xảy ra như chuột rút, đuối nước, sặc nước… Khi cho bé đi tắm biển, tốt nhất ba mẹ nên cho bơi gần bờ, chuẩn bị áo phao và phao bơi đầy đủ, đồng thời luôn đứng gần và quan sát, trông chừng bé.
Tránh phơi nắng và tắm biển quá lâu
Không nên để trẻ phơi nắng lâu và trong khoảng thời gian 10h - 15h vì làn da bé rất yếu, rất dễ bị tổn thương bởi ánh nắng mặt trời. Không nên để bé tắm trên biển hai tiếng liên tiếp, bởi không gian trên biển rất thoáng, kèm theo gió rất to, dễ khiến bé bị nhiễm lạnh khi ở trên bờ và khi tắm nông. Đồng thời, khi tắm xong lên bờ không để bé vẫn mặc đồ ướt chạy chơi trên cát, tốt nhất hãy lau khô người, và thay đồ khô cho bé.
Để chuyến đi thêm ý nghĩa
Nếu được, bạn hãy cho trẻ tham gia nhiều hoạt động trên biển như đánh bóng, xây lâu đài cát, cắm trại về đêm... Sau mỗi chuyến du lịch, giờ giấc sinh hoạt của bé sẽ bị đảo lộn, các bạn sẽ mất thời gian để rèn con theo nếp sinh hoạt cũ. Lúc này, hãy khuyến khích trẻ viết nhật ký hoặc vẽ tranh để ghi nhớ cảm xúc hạnh phúc khi ở bên gia đình.
Lê Thương