Nhái được xem là đặc sản mùa mưa trên đồng quê của người nông dân Huế, bởi đó là lúc nhái nhảy lên bờ, chuyển lên chỗ cao ráo nên cất tiếng kêu râm ran vang vọng bốn bề. Dân Huế vẫn quen gọi nhái là con phi tiễn bởi thân mình chúng khi trưởng thành chỉ nhỏ bằng ngón tay cái, trên trán lại có một vệt da xanh hình mũi tên.
Đêm đến, họ thường ra đồng bắt con phi tiễn về làm đa dạng thêm bữa ăn gia đình. Người ta thường soi nhái vào buổi tối, nhằm lúc chúng nhảy ra khỏi hang để ghép đôi, tìm mồi. Nhái thường bị “đơ” khi có ánh đèn chiếu vào nên cũng chỉ tốn chút thời gian để kiếm được vài chục con. Ở nhiều vùng ngoại ô thành phố Huế, người dân còn tranh thủ đi bắt nhái về bán lại cho các nhà hàng để có thêm thu nhập.
Nhái đồng không chỉ là món ăn khoái khẩu của rất nhiều người mà còn bổ sung nhiều dưỡng chất cho cơ thể. Người ta có thể chế biến nhái thành nhiều món ngon khác nhau như xào sả ớt, nấu cháo, làm chả... nhưng phổ biến nhất là món nhái chiên giòn.
Da nhái trơn nên khi làm thịt cần giữ chặt để chúng không bị xổng mất. Người ta dùng dao cắt bỏ đầu, lột nhẹ lớp da, bỏ ruột, chỉ giữ lại phần thịt, rửa thật sạch và để ráo nước.
Với món nhái chiên giòn, các bà nội trợ ở Huế đem ướp muối và tiêu, hành, ớt, tỏi cho thấm, sau đó lăn trong bột chiên tạo thành lớp vỏ trắng bên ngoài. Cách chiên rất đơn giản, chỉ cần cho nhái đã ướp vào chảo dầu có ít bơ, trộn đều tay cho đến khi lớp bột chuyển sang màu vàng rơm, dậy mùi thơm là được. Nhái chiên giòn ăn ngay lúc còn nóng hổi, giòn rụm, chấm với tương ớt hoặc mắm ớt thì rất tốn cơm, làm mồi nhậu cho các ông bố lai rai cùng rượu cay nồng thì không gì bằng.
Lê Thương