Dưới đây là bài viết của cô gái gốc Việt Una-Minh Kavanagh trên Lonely Planet về chuyến du lịch vòng quanh thế giới cùng mẹ Noreen, người Ireland. Una-Minh đã trở lại Việt Nam nhiều lần.
Năm 1991, khi là một đứa trẻ mới lọt lòng tại Hà Nội, tôi được một phụ nữ nước ngoài độc thân nhận nuôi. Chỉ sáu tuần sau, tôi đã bay hàng nghìn km tới ngôi nhà mới ở Ireland. Có thể nói đó là chuyến đi đầu tiên trong đời tôi và tiếp lửa cho đam mê xê dịch sau này.
Tôi lớn lên dưới một mái nhà ấm áp cùng mẹ và ông ngoại, những người nuôi dưỡng tình yêu sáng tạo, tri thức, tiếng Ireland cũng như "máu" phượt trong tôi. Bản thân mẹ, một giáo viên về hưu, luôn thích đi đây đi đó. Bà từng đến Papua New Guinea dạy học trong vài năm, nơi rất khác biệt so với miền quê của chúng tôi ở Ireland.
Phải đến lần đầu tới Canada và Hy Lạp, tôi mới thực sự biết mình thích khám phá những miền đất mới lạ đến thế nào. Tôi vẫn nhớ như in cảm giác của một cô bé 5 tuổi ngồi bên bờ biển, đứng giữa làn nước trong veo khi từng con sóng vỗ về đôi chân mình; hay khoảnh khắc tò mò cắn miếng cơm cuộn lá nho dolmades Hy Lạp mà làm dầu ăn dính vào áo.
Cuộc phiêu lưu còn tiếp tục trong những năm tháng tôi ngồi trên ghế nhà trường. Đến khi tốt nghiệp trung học, tôi đã cùng mẹ đặt chân đến 11 quốc gia như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ... và trở lại Việt Nam vào năm 1998.
Một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất là lần tôi và mẹ đi trên con đường của Thánh James (một trong Mười hai tông đồ của Chúa Jesus), tuyến hành hương với nhiều cung dẫn đến một nhà thờ của thành phố Santiago de Compostela, phía tây nam Tây Ban Nha. Bạn không cần theo đạo để thực hiện hành trình này, nhưng chúng tôi đã làm điều đó vì những lý do tâm linh. Mẹ vô cùng ngạc nhiên khi thấy tôi thích thú trong chuyến đi năm 2018 ấy.
Chúng tôi chọn cung đường từ Bồ Đào Nha dẫn đến Santiago, khởi hành từ 6h sáng với bốt, balo và gậy đi bộ sẵn sàng. Theo hướng mũi tên vàng, hai mẹ con đi qua những miền quê và đồng ruộng yên tĩnh, lắng nghe gà gáy sáng và gặp người địa phương thân thiện vẫy chào "Buen Camino!" (Chúc bạn chân cứng đá mềm!).
Mặt trời lên cao, chúng tôi càng bước đi càng thấy cả vùng đồng quê như bừng tỉnh, đó là khung cảnh bạn sẽ không bao giờ thấy nếu ngồi trên một chiếc xe khách đi tour. Đến trưa mẹ con tôi đã mệt lử, nhưng vẫn mừng rỡ khi hoàn thành chặng đường dài.
Những chuyến đi tạm dừng khi tôi vào đại học, rồi tốt nghiệp và bắt đầu đi làm. Nhưng sớm nhận ra mình không hợp với một công việc chôn chân ở chốn công sở từ 9h đến 17h, tôi bỏ việc. Tôi quyết định trở thành freelancer (người làm việc tự do) trong lĩnh vực sáng tạo nội dung và viết về du lịch.
Từ đó, mẹ con tôi lại rong ruổi trên đường khám phá những miền đất mới. Đó là cách blog Before My Mam Dies của tôi ra đời. Nghe tên blog, nhiều người có thể nghĩ mẹ đang hấp hối hay bệnh nặng và tôi từng nhận rất nhiều tin nhắn an ủi. Nhưng sự thật hoàn toàn trái ngược.
Tôi đặt tên này không phải để gây sốc, mà ý tưởng tự nhiên nảy đến với tôi theo đúng những gì mẹ con tôi cùng tạo dựng. Người Ireland thường để dành mọi thứ đến phút cuối mới nói chuyện về những vấn đề trong đời, mới mở lòng với cha mẹ về cuộc sống hay những giấc mơ, tiếc nuối. Tôi không muốn điều tương tự xảy ra trong mối quan hệ giữa mình và mẹ.
Tới nay chúng tôi đã ghé thăm 29 quốc gia. Bao năm đồng hành trên mọi nẻo đường giúp chúng tôi ngày càng thấu hiểu và gần gũi nhau. Chắc chắn có những khoảng thời gian mẹ con muốn tách nhau ra để có không gian riêng tư, nhưng cuối cùng chúng tôi cũng học được cách giao tiếp. Tôi không còn là một đứa trẻ. Chúng tôi có thể trò chuyện để giải quyết những vấn đề như người lớn với nhau.
Kể từ khi ông ngoại mất năm 2006, nhà chỉ còn hai chúng tôi. Mẹ con tôi thẳng thắn tâm sự về chuyện sống chết và điều gì sẽ đến. Nỗi sợ không khiến chúng tôi chùn bước, mà đẩy cả hai tiến lên. Before My Mam Dies thực sự là một nơi để chia sẻ về cuộc sống, những chuyến phiêu lưu và tình cảm chúng tôi dành cho nhau trước khi mẹ tôi qua đời.
Theo Lonely Planet