Trong thời gian gần đây, các báo trong nước và quốc tế đưa tin về một phụ nữ người Việt bị từ chối nhập cảnh Đài Loan do mang theo thực phẩm chế biến có chứa thịt lợn (bánh tét). Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác trên thế giới cũng có quy định ngặt nghèo về việc mang theo dù vô tình hay cố ý các sản phẩm tươi sống hoặc đã qua chế biến.
Thực phẩm, giày... là những thứ cần khai báo, kiểm tra trước khi nhập cảnh vào đảo quốc New Zealand. Nếu trốn tránh, bạn có thể bị phạt đến hơn 6 triệu đồng hoặc các hình thức xử lý khác.
Dưới đây là trải nghiệm của anh Nguyễn Hoàng Anh Khoa, đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông tại TP HCM, về lần nhập cảnh New Zealand vào cuối năm 2018:
New Zealand được biết đến là một quốc đảo sạch và đáng sống nhất. Không phải lần đầu xuất cảnh nên tôi tin vào những kinh nghiệm lần trước mà bỏ qua tìm hiểu luật lệ, yêu cầu đặc biệt đối với du khách của quốc gia này.
Sân bay quốc tế Auckland là một trong những cảng hàng không chính của New Zealand. Đa số các đường bay từ các nước Đông Nam Á đều đáp tại đây với chi phí khoảng 20 triệu đồng khứ hồi. Tôi chọn điểm dừng này bởi lịch trình chủ yếu tập trung ở Đảo Bắc. Đi bộ trong rừng, leo núi là mong muốn trải nghiệm của tôi trong chuyến đi.
Ưu tiên di chuyển và các hoạt động ngoài trời nên tôi chuẩn bị nhiều thức ăn khô, thức uống dinh dưỡng. Đối với một số quốc gia khác tôi từng nhập cảnh thì việc mang các thực phẩm này dễ dàng.
Sau khi trả lời những câu cơ bản như "bạn đến đây bao nhiêu ngày, đi những đâu, làm gì", tôi được nhân viên cửa khẩu đóng dấu kiểm soát và cho nhập cảnh. Băng chuyền hành lý nằm gần đó và vali được đưa đến khá nhanh sau khi tàu bay hạ cánh.
Việc không tìm hiểu kỹ các thủ tục khiến tôi suýt bị phạt hơn 6 triệu đồng, thậm chí bị trả về Việt Nam. New Zealand yêu cầu tất cả hành khách kê khai những mặt hàng "kiểm soát hải quan" như thực phẩm tươi sống, đồ khô đóng hộp, các loại hạt, vật dụng thể thao... Những người sở hữu đồ như trên sẽ phải đi theo cổng "Declare" (Khai báo hải quan). Tôi bất cẩn đi theo hướng "Nothing to Declare" (Không có gì để khai báo hải quan) vì không để ý kỹ.
Làn này có khá nhiều khách và xếp hàng khá lâu. Đến lượt tôi, mọi thứ trở nên tồi tệ khi với nhiều câu hỏi của nhân viên kiểm soát dịch bệnh, tôi đều nói "Có". Chẳng hạn, bạn có mang đồ khô, thức uống, hạt... Các câu trả lời này trở thành chứng cứ chống lại tôi. Sắc mặt của nhân viên căng thẳng hơn. Tôi đoán mình đã làm sai điều gì đó nên hỏi lại: "Tôi đã sai gì chăng?".
Chưa kịp nhận giải đáp, tôi bị một nhân viên dẫn sang một khu khác. Tôi trở nên mất bình tĩnh và lo sợ. Anh ấy giải thích một số thứ và hướng dẫn tôi xếp hàng. Tôi được yêu cầu mở bung hành lý. Đây là khu vực khá kín so với khu "Nothing to declare" ban nãy. Lúc này, tôi dường như trở thành người thuyết minh cho tất cả những gì đang có trong hành lý. Bất kỳ lời nói nào của tôi không hợp lý đều trở thành nguy hiểm. Họ kiểm tra tỉ mỉ từng món đồ nghi ngờ. Do khác biệt về bao bì hàng hóa của hai nước nên hải quan New Zealand phải nắm được thành phần của sản phẩm mang vào. Những thương hiệu nổi tiếng xuyên quốc gia có thể không bị kiểm tra, ví như loại sữa dinh dưỡng bổ sung có trong hành lý của tôi được miễn hỏi.
Trong gói hành lý, họ giữ lại xúc xích, khô gà, túi hạt khô. Không những thế, họ còn kiểm tra đến giày và các vật dụng, thiết bị hỗ trợ thể thao. Đôi giày của tôi được soi kỹ càng. Cùng lượt kiểm tra với tôi là một hành khách châu Á khác, tôi đoán anh ấy cũng leo núi. Nhưng không may mắn như tôi, anh ấy bị giữ lại đôi giày bẩn.
Sau một quy trình "đau tim" như vậy, tôi được yêu cầu soi chiếu lần cuối trước khi được đặt chân vào đất nước mơ ước của nhiều người. Hành trình khám phá đảo Bắc ở New Zealand khiến tôi hiểu vì sao họ phải bảo vệ màu xanh thiên nhiên. Đó là đất nước ở đâu cũng có màu xanh, sạch sẽ, nước suối có thể uống được. Việc kiểm tra cũng góp phần xây dựng ý thức bảo vệ môi trường của từng du khách nhập cảnh, tránh lây lan các dịch bệnh.