Đối với các tín đồ ẩm thực trên khắp thế giới, sao Michelin đại diện cho đỉnh cao chất lượng và cẩm nang Michelin Guide chính là "kinh thánh". Do đó việc một nhà hàng, đầu bếp sở hữu ngôi sao này không chỉ là niềm vinh hạnh cá nhân mà còn là niềm tự hào của quốc gia.
Khi sao vàng Michelin càng trở nên danh giá, người ta càng tò mò về nguồn gốc của nó. Không ít thực khách đã sốc khi biết rằng, chủ sở hữu của nó lại chính là công ty sản xuất lốp xe ôtô nổi tiếng của Pháp - Michelin, chứ không phải bất kỳ tập đoàn nhà hàng hay đầu bếp nào. Ngôi sao có hình bông hoa 6 cánh này là kết quả của một chiến dịch quảng cáo bán lốp xe xuất sắc của hai nhà sáng lập Ándre và Édouard Michelin, theo Businessinsider.
Vào năm 1900, hai anh em Ándre và Édouard cho phát hành cuốn cẩm nang có tên Michelin Guide chấm điểm các nhà hàng, khách sạn, quán ăn... trên khắp nước Pháp rồi phát cho khách hàng. Khi đó, hai nhà sáng lập chỉ nghĩ rằng mọi người càng lái xe đi chơi, đi ăn càng nhiều thì lốp càng dễ hỏng. Và như thế, họ sẽ bán được nhiều lốp xe ôtô hơn. Đó cũng là lý do khi xuất bản lần đầu tiên, cẩm nang Michelin còn bao gồm cả hướng dẫn về các trạm đổ xăng, thay lốp hay gara bảo dưỡng...
Michelin Guide tặng sao để đánh giá các nhà hàng, nhiều nhất là 3 sao. Khi nhà hàng nào đó được gắn một sao Michelin, nơi đó có đồ ăn ngon hơn so với mặt bằng chung. 2 sao tương đương với một nhà hàng không chỉ có chất lượng đồ ăn xuất sắc mà phong cách phục vụ cũng tạo ấn tượng tốt. Nhà hàng 3 sao là nơi xứng đáng để bạn dành hẳn một chuyến đi tới đó thưởng thức.
Đầu bếp chuẩn bị món ăn phục vụ thực khách tại một nhà hàng 3 sao Michelin ở Đức.
Việc gắn sao này sẽ dựa vào các chuyên gia của Michelin. Những người này được đào tạo bài bản, hoạt động bí mật đến mức được so sánh ngang hàng với các điệp viên. Họ phần lớn là các chuyên gia hàng đầu về ẩm thực, được tuyển chọn gắt gao, tập huấn ở những nơi bí mật và được luyện vị giác, nghiên cứu, viết báo cáo.
Sau đó, họ sẽ được cử đi khắp nơi trên thế giới để đánh giá về các nhà hàng. Hoạt động của các chuyên gia này hoàn toàn bí mật. Họ thậm chí không tiết lộ nghề nghiệp cho chính người thân. Mỗi khi ăn ở một nơi nào đó, họ sẽ thẩm định rồi viết báo cáo gửi về "đại bản doanh".
Michelin hoàn toàn hài lòng và tin tưởng với các điệp viên ngầm của mình. Vì chỉ khi hoạt động trong bóng tối, các nhà hàng mới không thể biết được ai trong số các thực khách mình đang phục vụ kia là một chuyên gia đến từ Michelin. Do đó, nhà hàng phải đối xử với các thực khách như nhau.
Ngoài vinh dự mang lại cho các nhà hàng, đầu bếp, sao Michelin thực chất cũng đem lại những gánh nặng, áp lực to lớn. Sách Michelin xuất bản hàng năm, mỗi năm đều cập nhật tình hình và số sao của các nhà hàng. Các tín đồ ẩm thực lúc nào cũng háo hức biết nhà hàng nào còn ngon, nơi nào tốt hơn và quán nào đã chán đi. Do vậy, cuốn sách này luôn được tiêu thụ với số lượng lớn.
Nhiều người nói vui rằng, giữ sao Michelin còn khó hơn đoạt giải Nobel. Vì giải Nobel tuy khó, nhưng khi được trao bạn sẽ có nó cả đời. Còn với Michelin, nếu nhà hàng nào chất lượng kém hơn năm ngoái, họ sẽ tự động bị mất sao. Mà một khi đã mất sao, việc kinh doanh chắc chắn sẽ rơi vào khủng hoảng hay thất bát.
Sao Michelin vừa là thước đo danh tiếng, vừa là gánh nặng với các đầu bếp. Gordon Ramsay, đầu bếp nổi tiếng người Anh, từng cho biết ông đã rất đau lòng khi nhà hàng của mình bị tước một sao Michelin. "Nó khiến tôi buồn như vừa chia tay một cô bạn gái vậy".
Bernard Loiseau, người đã gắn bó cả đời với công việc nấu ăn và là chủ nhà hàng 3 sao Michelin La Côte d'Or, cũng từng nói nếu mất một sao sẽ tự vẫn. Vào ngày 31/1/2016, đầu bếp tài năng nhất thế giới này đã dùng súng bắn vào đầu trong phòng riêng. Một trong những lý do khiến người đàn ông 44 tuổi này tự sát là áp lực từ các giải thưởng và việc duy trì chất lượng của nhà hàng.