Người Phan Thiết thường gọi bánh quai vạc thành bánh quai dạc do cách phát âm của địa phương. Mỗi lần về Phan Thiết, đi dọc trên những con đường, bạn đều có thể vô tình bắt gặp món ăn này được bày bán. Những chiếc bánh dinh dính, có màu trắng trong và đỏ, được xếp chồng lên nhau trong một cái thau che kỹ lưỡng bởi lớp ni-lon phía trên.
Bạn có thể ăn tại chỗ, mua về để thưởng thức hay thậm chí tự làm tại nhà. Khi mua về nhà, người bán sẽ dùng một chiếc nĩa nhỏ, xiên vào từng chiếc bánh để kéo nó lên và cho vào hộp, rắc lên phía trên chút hành thái nhỏ và hành phi thơm. Kèm theo đó là một bịch nước mắm được cột kỹ.
Không ai biết chính xác món bánh quai vạc xuất hiện từ khi nào ở Phan Thiết, chỉ biết rằng nó gắn liền với ẩm thực địa phương và đến đây mà không ăn bánh quai vạc thì vẫn chưa khám phá trọn vẹn văn hóa ẩm thực.
Cách chế biến món bánh quai vạc không quá khó nhưng vẫn đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng công đoạn. Bánh phải được làm từ bột lọc, chế nước sôi vào sao cho bột chín tới. Sau đó, người làm bánh sẽ nhồi bột cho thật dẻo, điều này đòi hỏi sự khéo léo vì bột lúc này rất nóng. Rồi họ sẽ bứt thành từng viên bột nhỏ ra, dùng chai thủy tinh cán mỏng.
Phần nhân của bánh thì gồm tôm và thịt ba rọi được cắt nhỏ, cho nước mắm, muối tiêu, đường vào trộn chung và đem đi xào chín. Múc một chút nhân vừa phải cho vào giữa miếng bột đã được cán mỏng và xếp đôi chiếc bánh lại. Khi hoàn tất, bánh sẽ được cho vào nồi nước sôi luộc và sau đó bánh chuyển màu trong thì vớt ra xả nước lạnh, trộn chung với chút dầu ăn để bánh không bị dính.
Linh hồn của món bánh quai vạc chính là nước mắm. Nước mắm được pha hơi kẹo (sệt sệt) với nguyên liệu là nước mắm, đường cát, ớt xiêm cắt mỏng và nêm gia vị khác cho đậm đà.
Khi ăn, bạn chỉ việc chan chút nước mắm vào bánh quai vạc, cho thêm hành phi và hành lá lên trên. Món này có thể ăn không, nhưng cũng có người mua bánh mì về ăn kèm, hương vị rất hấp dẫn. Bạn có thể thưởng thức món này trên đường phố ở Phan Thiết, Bình Thuận, giá khoảng 15.000 đến 20.000 đồng một hộp.
Thảo Nghi