Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ sáu, 27/12/2019, 11:13 (GMT+7)

8 danh thắng bị phá hủy trong thập kỷ qua

Những công trình lịch sử hay thắng cảnh thiên nhiên đã bị hủy hoại vì xói mòn, biến đổi khí hậu, hỏa hoạn...

Nhà thờ Đức Bà Paris, Pháp

Vụ hỏa hoạn xảy ra vào chiều tối 15/4/2019, khi công trình 856 năm tuổi đang được trùng tu. Ngọn lửa phá hủy toàn bộ phần mái và tháp nhọn của nhà thờ. Quá trình phục hồi di tích này có thể kéo dài hàng thập kỷ, với chi phí lên tới 3,3 tỷ USD. Năm nay là lần đầu tiên trong hơn 200 năm nhà thờ Đức Bà tại Paris không tổ chức Giáng sinh. Ảnh: Pinterest/Reuters.

Lâu đài Shuri, Okinawa, Nhật Bản

Ngày 31/10/2019, tòa lâu đài 600 tuổi này đã bị thiêu rụi hoàn toàn trong trận hỏa hoạn lớn. Chính quyền địa phương đã gây quỹ hơn 2 triệu USD để xây lại lâu đài. 

Lâu đài Shuri ban đầu được xây dựng từ thế kỷ 14 và phục dựng hai lần vào năm 1945 và 1992 sau khi bị tàn phá trong chiến tranh. Nơi này còn được dự kiến là một điểm dừng trên tuyến đường rước đuốc cho Thế vận hội 2020 ở Tokyo, theo BBC. Ảnh: AP/AFP.

Cây "đường hầm", California, Mỹ

Cây gỗ đỏ có tên "Pioneer Cabin Tree" được khách tham quan gọi là cây "đường hầm". Đây là một trong những điểm nổi tiếng nhất của Vườn quốc gia Calaveras Big Trees từ cuối những năm 1800. Tuy nhiên, cây cổ thụ này đã bị đổ trong một trận bão vào tháng 1/2017. Ảnh: AP/National Geographic.

Cổng vòm đá Azure, Malta

Tháng 3/2017, cổng vòm đá Azure đổ sụp xuống biển sau một trận bão lớn. Nó từng là biểu tượng du lịch nổi tiếng của đảo quốc Malta, và xuất hiện trong series phim "Trò chơi Vương quyền". Năm 2018, một kiến trúc sư Nga đề xuất phục dựng vòm đá này bằng thép, tuy nhiên kế hoạch này không gây tiếng vang. Ảnh: Malta Turismo/Goffe Travels.

Khối sa thạch Duckbill, bang Oregon, Mỹ

Tháng 9/2016, ba khách tham quan cùng lật đổ khối sa thạch Duckbill trong công viên Cape Kiwanda. Hòn đá ban đầu chỉ hơi lắc lư, nhưng sau đó đổ sụp hoàn toàn. Ba thanh niên cho hay, họ phá hủy cấu trúc đá 18 triệu năm tuổi này để trả thù cho một người bạn. Ảnh: 24hu/NPR.

Rạn san hô trên đảo Christmas, Australia

Những nhà nghiên cứu của Đại học Victoria cho biết chỉ 5% rạn san hô của đảo Christmas có thể sống sót trong đợt nóng đỉnh điểm của hiện tượng El Niño từ năm 2015 đến 2016. Nhiệt độ nước biển tăng cao khiến những rạn san hô bị "tẩy trắng", nghĩa là chúng bị bệnh và mất màu. El Niño là thời kỳ nhiệt độ mặt nước biển ấm lên, có thể "ảnh hưởng đến thời tiết, môi trường đại dương và nghề cá biển trên diện rộng trong thời gian dài", theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ. Ảnh: Kieran Cox/Kristina Tietjen.

Cổng tò vò trên bãi biển Legzira, Morocco

Thắng cảnh tự nhiên này nằm trên bãi biển Legzira giữa thành phố Mirleft và Sidi Ifni, ven bờ Đại Tây Dương. Bãi biển nổi tiếng với hai cổng tò vò hình thành do sự xói mòn. Tuy nhiên, năm 2016 một trong hai chiếc cổng bất ngờ sập xuống. Người ta lo ngại chiếc cổng còn lại sớm đổ theo thời gian. Ảnh: Any Road Any Where/AFP.

Kim tự tháp Maya cổ, Belize

Năm 2013, một kim tự tháp 2.300 tuổi tại Belize đã bị san phẳng để lấy đá trải đường. Kim tự tháp này nằm trong quần thể đền thờ Noh Mul, phía bắc Belize. Những nhà khảo cổ khẳng định công nhân xây dựng không thể nhầm lẫn công trình cao 30 m với một ngọn đồi bỏ hoang. Ảnh: PRI.

Bảo Ngọc (Theo Insider)

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net