1. Di tích Yên Tử
Điểm đầu tiên và không thể bỏ qua trong hành trình du xuân đất mỏ là quần thể di tích Yên Tử, thành phố Uông Bí, cách Hà Nội khoảng 130 km. Từ quốc lộ 18A vào đến chân núi Yên Tử (khoảng 10 km) du khách đã có thể cảm nhận không khí linh thiêng, trầm lắng của trường phái trúc lâm.
Từ chân núi, du khách lên đỉnh chùa Đồng bằng hai cách: leo bộ hoặc cáp treo 2 chặng. So với cáp treo, leo bộ mất nhiều thời gian hơn với quãng đường khoảng 6 km đường mòn dốc đứng nhưng với nhiều du khách, đây là cách thể hiện lòng thành kính trong hành trình lễ Phật đầu năm.
Dù chọn cách nào, du khách cũng sẽ bắt đầu từ suối Giải Oan, qua chùa Hoa Yên, chùa Một Mái, tượng đá An Kỳ Sinh rồi lên chùa Đồng - ngôi chùa bằng đồng trên đỉnh núi lớn nhất châu Á. Đứng trên đỉnh cao 1.068 m nhìn xuống, cõi Phật như trong tầm mắt khi làn sương mờ lẩn khuất dưới chân và trên đầu mây trắng lững lờ trôi trên nền trời xanh thẳm.
2. Chùa Cái Bầu
Dù mới được khánh thành năm 2009 nhưng với thế tựa lưng vào núi, hướng mặt ra biển, Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm (hay còn gọi là chùa Cái Bầu) ở Vân Đồn hiện thu hút đông đảo du khách thập phương đến du xuân vùng Đông Bắc.
Nằm gần khu du lịch Bãi Dài nên không gian ở đây không chỉ yên bình, linh thiêng mà còn vô cùng trong lành và thuần khiết. Xen lẫn trong tiếng chuông chùa, gõ mõ tụng kinh là tiếng sóng biển ngoài khơi vọng lại, khiến lòng người an nhiên, tĩnh tại.
Đặc biệt, du khách đến chiêm bái, vãn cảnh ở chùa còn được ăn cơm chay và gửi xe miễn phí. Chùa nằm cách trung tâm thị trấn Cái Rồng, Vân Đồn khoảng 10 km, ngoài phương tiện cá nhân, du khách có thể đến chùa bằng xe buýt.
3. Đền Cửa Ông
Đền Cửa Ông thuộc thành phố Cẩm Phả là nơi thờ phụng Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng cùng nhiều nhân vật nổi tiếng thời nhà Trần. Mặc dù chính hội đền Cửa Ông diễn ra vào tháng 2 âm lịch nhưng ngay từ những ra ngày Tết, nơi đây đã tập trung rất đông du khách từ các tỉnh thành về dâng hương hành lễ.
Cũng như chùa Cái Bầu, đền Cửa Ông tọa lạc trên ngọn đồi cao nhìn thẳng ra vịnh Bái Tử Long. Chỉ có khác là từ đây, ngoài biển cả mênh mông, toàn cảnh thành phố công nghiệp khai thác vàng đen gói trọn trong tầm mắt. Không chỉ dâng hương tại hai cụm kiến trúc là đền Thượng và đền Hạ, du khách còn được thưởng thức đặc sản có một không hai bày bán dọc lối vào đền là bánh Tày nồng ệp.
4. Chùa Lôi Âm
Là cái tên còn khá xa lạ với du khách thập phương nhưng với người dân Quảng Ninh, chùa Lôi Âm lại rất nổi tiếng với phong cảnh hữu tình, linh thiêng và cổ kính. Thuộc phường Đại Yên, thành phố Hạ Long, du khách đến chùa phải ngồi thuyền chừng 15 phút rồi tiếp tục leo bộ chừng nửa tiếng theo triền dốc thoai thoải.
Một nét riêng khi hành hương Lôi Âm Tự là du khách tùy tâm xách theo đôi viên gạch đỏ đã đặt sẵn dưới chân đồi để công đức trùng tu, xây dựng lại chùa. Tuy đường mòn, gập ghềnh sỏi đá nhưng ai nấy đều cảm thấy nhẹ bẫng mỗi bước đi bởi hai bên đường là những cánh rừng thông xanh mướt cùng vườn dứa bạt ngàn.
Hành trình thăm viếng sẽ bắt đầu từ chùa Lôi Âm tọa lạc trên một vùng đất rộng, bằng phẳng, xung quanh là cây cối um tùm, trầm lắng. Theo con đường nhỏ phía bên phải chùa sẽ dẫn đến ban thờ Mẫu, đi tiếp qua triền đồi là Hang Cậu hướng ra lòng hồ Yên Lập.
5. Chùa Long Tiên
Nằm dưới chân núi Bài Thơ, chùa Long Tiên là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng bậc nhất ở Hạ Long. Vào mùa trẩy hội ở Quảng Ninh, người ta gọi chùa Long Tiên là chùa Trình, bởi ai cũng muốn đến chùa Long Tiên dâng hương trước rồi mới tiếp tục hành hương tới Yên Tử, tới hội đền Cửa Ông...
Được xây dựng vào năm 1941, chùa mang phong cách kiến trúc và điêu khắc thời nhà Nguyễn, kiểu chồng giường giá chiêng và những họa tiết trang trí rồng phượng, hoa văn cách điệu. Bước vào cổng tam quan là khoảng sân rộng đặt tượng Bồ Tát quan thế âm. Chính điện thờ Phật, bên phải thờ các tướng lĩnh nhà Trần, bên trái là cung Tam Phủ Thánh Mẫu.
Vy An