Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ sáu, 12/4/2019, 14:05 (GMT+7)

12 hoạt động ăn chơi ngay trong Hà Nội dịp nghỉ giỗ Tổ

Người ngại đi xa và du khách đến Hà Nội có thể tham gia các trải nghiệm ngoài trời và trong nhà để hòa mình vào không khí cuối tuần.

Làm gốm ở làng Bát Tràng

Làng gốm Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm, cách trung tâm thành phố khoảng 15 km. Ngôi làng bên bờ sông Hồng nổi tiếng với nghề làm gốm, hình thành từ thế kỷ 14-15. Các cửa hàng trong làng kinh doanh nhiều mặt hàng như ấm chén, bát đĩa, đồ trang trí nội thất, đồ thờ cúng... đặc biệt là tranh treo tường bằng sứ được nhiều người yêu thích vì có màu sắc hài hòa.

Khi tới đây, ngoài việc tìm hiểu về nghề truyền thống này, bạn có thể tự tay làm ra những sản phẩm bằng gốm mang về tặng người thân, bạn bè hoặc kỷ niệm. Bạn sẽ được cung cấp một bàn xoay và một nắm đất sét ẩm. Chủ xưởng đặt nắm đất ở giữa bàn xoay và hướng dẫn chi tiết cho bạn cách thức điều khiển, làm ẩm tay và cách tạo hình sản phẩm. Cuối cùng, bạn có thể thỏa thích tạo hình cho nắm đất này.

Chi phí một lần chơi nặn gốm là 10.000 đồng và mỗi sản phẩm mang về là 30.000 đồng. Ảnh: Kiều Dương.

Thử thách ở mê cung cây

Công viên sở hữu mê cung này nằm tại phường Thạch Bàn, Long Biên, cách cầu Vĩnh Tuy khoảng một km. Đây là mê cung cây lớn nhất Việt Nam, đường kính hơn 85 m, trồng toàn cây hồng lộc. Đường đi lát đá trong mê cung tổng chiều dài 1,8 km. 

Bên cạnh đó là những mê cung nhỏ hơn làm từ cây hoa hồng. Khách đến tham quan còn có thể chụp ảnh vườn hoa hồng, cẩm tú cầu, tam giác mạch… và nhìn toàn cảnh mê cung lớn từ cây cầu trên cao.

Giá vé vào cửa mê cung cây là 50.000 đồng một người lớn và 25.000 với trẻ em, miễn phí với các bé dưới 1,2 m. Ảnh: Trần Quang.

Tham quan cột cờ Hà Nội

Di tích cột cờ Hà Nội (còn gọi là Kỳ đài) nằm trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tại số 28A đường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, Hà Nội. Cột cờ được xây dựng năm 1805 – 1812, dưới thời vua Gia Long triều Nguyễn. Đây là công trình hiếm hoi còn nguyên vẹn qua chiến tranh và hoành tráng nhất trong quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long, cũng là một biểu tượng của Hà Nội.

Xung quanh khu vực cột cờ Hà Nội là nhiều điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội như Hoàng thành Thăng Long, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn miếu Quốc Tử Giám, một số bảo tàng như bảo tàng Lịch sử quân sự ở ngay dưới chân cột cờ và bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Cột cờ Hà Nội miễn phí vé tham quan. Tuy nhiên nếu muốn vào bảo tàng Lịch sử quân sự bạn sẽ phải mua vé với giá 20.000 đồng mỗi người, thêm vé chụp hình giá 30.000 đồng nếu bạn mang theo máy ảnh, máy quay. Ảnh: Kiều Dương.

Tham quan bảo tàng

Hà Nội có đến 20 bảo tàng lớn nhỏ trong khắp thành phố, trưng bày rất nhiều hiện vật khác nhau xuyên suốt lịch sử của đất nước. Kỳ nghỉ có thể trở nên ý nghĩa hơn khi bạn dành ít nhất một buổi ghé thăm một bảo tàng yêu thích.

Trong dịp nghỉ lễ giỗ Tổ 10/3, một chuyến đi tới bảo tàng Lịch sử quốc gia (quận Hoàn Kiếm) để ngắm nhìn những hiện vật từ thời vua Hùng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về lịch sử đất nước.

Giá vé vào cửa các bảo tàng là 40.000 đồng mỗi người. Học sinh, sinh viên và các nhóm ưu tiên được giảm giá hoặc miễn phí. Ảnh: Etravelling.

Múa rối nước Hà Nội
 
 

Đi dạo phố cổ

Một trong những hoạt động không thể thiếu với du khách mỗi khi đến Hà Nội là tham quan khu phố cổ. Khách du lịch có thể lựa chọn nhiều loại hình di chuyển ở khu vực này như đi bộ, thuê xích lô, xe đạp, xe điện... Trong số các lựa chọn này, đi bộ vẫn là tối ưu bởi bạn có thể thảnh thơi và chủ động hơn khi muốn khám phá các ngõ ngách ở 36 phố phường mà không phải quá lo lắng về việc gửi xe.

Đợt nghỉ giỗ Tổ năm nay trùng ngày cuối tuần với không gian phố đi bộ quanh hồ Gươm. Du khách có thể hòa mình vào không khí tại đây với nhiều hoạt động nghệ thuật, biểu diễn đa dạng. Khu phố cổ cũng là thiên đường của các món ăn, đồ uống vỉa hè.

Giá thuê xe tại đây ở mức 70.000 – 100.000 đồng một ngày với xe đạp và 100.000 – 250.000 với xe máy tùy loại. Nếu chọn xích lô, giá một vòng chạy quanh khu vực hồ Gươm khoảng 200.000 đồng. Ảnh: Kiều Dương.

Chụp ảnh ở thung lũng hoa

Nếu bạn muốn tìm một địa điểm để chụp ảnh thì thung lũng hoa hồ Tây nằm ở ngã ba đường Nhật Chiêu đoạn gần công viên nước là lựa chọn lý tưởng. Nơi này hội tụ nhiều giống hoa với đủ màu sắc được trồng theo mùa trên diện tích 70.000 m2. Vào mùa hè đây là vùng ngập nước và được trồng hoa sen; khi hoa sen tàn, đất bùn khô thì người dân trồng các loại hoa như cánh bướm, ngọc thảo, dạ yến, phong lữ, hướng dương...
Hoa tại đây được trồng theo luống, độ cao phù hợp với khách muốn chụp ảnh với lối vào rộng rãi. Giá vé vào cửa là 100.000 đồng một người lớn và 50.000 đồng với trẻ em. Ảnh: Ngọc Thành.

Vườn hồng lớn nhất Việt Nam
 
 

Ngắm hoàng hôn hồ Tây

Là hồ nước lớn nhất Hà Nội, hồ Tây mang nhiều vẻ đẹp khác nhau theo từng thời gian trong ngày và các mùa trong năm. Sáng sớm là lúc mặt hồ lảng bảng sương, khi chiều tà cảnh vật ven hồ nhuốm màu hoàng hôn lại tạo nên vẻ huyền ảo riêng. Du khách đến Hà Nội thường đi dạo trên những con đường chạy quanh hồ, tham quan Phủ Tây Hồ hay chỉ đơn giản là ngắm hoàng hôn buông trên mặt hồ từ một quán giải khát bình dân bên đường.

Hồ Tây được nhiều người dân thủ đô và du khách yêu thích bởi không khí trong lành và không gian mênh mông, khoáng đạt để tạm xa mọi nỗi lo toan trong cuộc sống. Những đoạn đường được ưa thích nhất vì không gian đẹp là Thanh Niên, Quảng Bá, Nhật Chiêu… Ảnh: Kiều Dương.

Ghé các trung tâm thương mại

Vào các dịp cuối tuần, nghỉ lễ, rất đông người tìm đến các trung tâm thương mại lớn để mua sắm và sử dụng các dịch vụ bên trong. Đa số trung tâm thương mại lớn đều sở hữu các rạp chiếu phim, khu vui chơi như các trò chơi điện tử, trò chơi thể chất và thậm chí là sân trượt băng đáp ứng nhu cầu của các gia đình hay đôi đang yêu.

Tại Hà Nội, những trung tâm thương mại nổi tiếng là Royal City (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân), Lotte (Đào Tấn, Ba Đình) và Aeon Mall (Long Biên). Ảnh: T.H.

Ăn tại chợ Đồng Xuân

Sau hành trình khám phá những điểm du lịch và cả những ngõ ngách của Hà Nội, hãy để những món ăn tại chợ Đồng Xuân thỏa mãn cơn đói của bạn. Ngõ Đồng Xuân chỉ dài vài trăm mét, nằm bên hông chợ nhưng nổi tiếng là thiên đường ăn uống giá rẻ, mỗi ngày thu hút cả nghìn lượt khách Tây lẫn khách ta.

Thực đơn bữa trưa dành cho bạn có thể là bún chả kẹp que tre, cháo sườn quẩy. Ngoài ra, bạn có thể chọn bún riêu ốc hoặc phở tíu để no lâu. Phở tíu có lượng nước dùng xâm xấp, không như phở bò tái, chín, nhưng cũng chẳng ít nước như phở trộn, ăn cùng thịt nạc được thái mỏng, bản to, lạc rang, hành khô. Bún ốc thoảng hương thơm nhẹ vị nếp cái dùng làm dấm bỗng. Bạn cho thêm chút ớt chưng để tăng hương vị. Mỗi suất ăn tại đây dao động từ 30.000 đồng. Ảnh: Phong Vinh.

Uống bia Tạ Hiện

Nói đến những "phố Tây" ở Hà Nội có thể kể đến phố Mã Mây, Hàng Bạc, Hàng Bè và phố Tạ Hiện. Phố Tạ Hiện được coi là "ngã tư quốc tế", tập trung hầu hết loại hình dịch vụ phục vụ khách nước ngoài như khách sạn, nhà hàng, đặc biệt là những quán vỉa hè san sát nhau bán bia hơi cùng nhiều đồ ăn khác nhau. Dù ngày nắng hay mưa, con phố này luôn tấp nập du khách nước ngoài, nhất là "Tây ba lô". Truyền hình CNN của Mỹ đánh giá Tạ Hiện là nơi để bạn có thể thực sự hòa mình vào nhịp sống thành phố và tìm kiếm những văn hóa của người dân địa phương. Ảnh: Kiều Dương.

Kiều Dương

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net