Chỉ cách Hà Nội 100 km, thành phố Hoa Phượng Đỏ bắt đầu vào hè bằng những đường phố ngập sắc hoa học trò và đông đảo khách du lịch ghé thăm.
1. Bánh đa cua
Nhắc đến Hải Phòng, là nhắc đến bánh đa cua- món ăn trứ danh theo người xứ Cảng đi khắp đất nước. Một bát bánh đa cua có sợi bánh đa đỏ, nước cua vàng sánh, gạch cua béo ngậy, chả lá lốt, chả thịt... ăn kèm rau sống, hoa chuối mang đến vị đậm đà nhưng vẫn thanh mát. Bạn có thể lựa chọn bánh đa cua đồng ở đường Minh Khai, cổng Bệnh viện Da liễu trên đường Trần Phú, đường Đà Nẵng... hoặc bánh đa cua bể ở đường Cầu Đất.
2. Nem cua bể
Khác với kiểu cuốn nem dài truyền thống, nem cua bể Hải Phòng được gói vuông bằng lòng bàn tay, nên còn được gọi là nem vuông. Nhân nem gồm có thịt cua loại ngon, mình dày, thịt nạc vai, tôm, nấm hương, giá... được tẩm ướp gia vị. Nem cua bể ăn kèm với bún và rau sống, nước chấm có vị chua cay ngọt. Vị ngọt của thịt cua bể, giòn của vỏ bánh đa cuốn rán vừa chín tới, thêm chút đậm đà của mắm chấm... làm nên sức hấp dẫn của đặc sản biển nem cua bể. Nem Hải Phòng nổi tiếng nhất là ở đường Trần Nhật Duật (chợ Cố Đạo).
3. Bún cá thập cẩm
Bún cá Hải Phòng có hương vị đặc trưng của vùng biển lại có nét bình dị của đồng quê bởi nó được chế biến từ cả hai loại cá: cá biển (cá thu) và cá đồng. Một tô bún cá thập cẩm thường có trứng cá, chả cá, cá chiên giòn, dạ dày cá, thậm chí là bong bóng cá, tạo nên vị ngon độc đáo. Những quán bún cá ngon ở Hải Phòng ở các đường Hai Bà Trưng, Lê Lợi, Lê Quýnh, Tô Hiệu...
4. Bánh mì cay
Bánh mì cay là món khoái khẩu của học sinh, sinh viên đất Cảng. Điều đặc biệt là những chiếc bánh mì ở đây chỉ nhỏ bằng hai ngón tay. Người bán hàng xẻ dọc chiếc bánh mì, quết vào ruột bánh một lớp patê, một chút mỡ rồi cho vào lò nướng để bánh đạt độ giòn, đồng thời lớp mỡ tan ra, quyện vào patê tỏa một mùi thơm quyến rũ. Yếu tố quyết định và làm nên độ cay nổi tiếng là chí chương, một loại tương ớt đặc biệt, cay nồng và đỏ tươi. Bánh mì cay được bán ở nhiều đường phố như Minh Khai, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi...
5. Bánh bèo
Bánh bèo Hải Phòng từ hình dáng đến mùi vị khác hoàn toàn với bánh bèo miền Trung. Bánh làm từ bột gạo, nhân thịt băm mộc nhĩ xào thơm, đổ trong lá chuối, gói hình chữ nhật, khi ăn cắt 6, ăn nóng kèm nước mắm vắt chanh. Các quán bánh bèo ngon ở đường Cát Dài, Lê Đại Hành, chợ Cát Bi, chợ Lương Văn Can...
6. Lẩu cua đồng
Lẩu cua đồng chế biến theo kiểu Hải Phòng có những đặc trưng không thể lẫn với nơi khác. Nồi nước dùng đậm đà và nhiều gạch, đồ nhúng phong phú, gồm thịt bò, giò sống, lòng non, chả cá, rau sống, hoa chuối, mồng tơi và ăn kèm bánh đa đỏ. Địa chỉ ruột của món này là đường Văn Cao.
7. Cơm cháy hải sản
Vẫn là cơm cháy giòn giòn, thơm gạo ngon nhưng nét đặc trưng của đất Cảng thể hiện qua nước sốt hải sản và tôm, cua mực. Mùi vị đậm đà nhưng không hề ngấy tạo cho người ăn nhớ mãi nếu có dịp thưởng thức món cơm cháy hải sản được bán ở phố Tam Bạc, Phan Đình Phùng...
8. Bánh cuốn chả
Bánh cuốn được tráng mỏng, trắng mịn, rắc ít ruốc và vài lát hành khô thơm phức lên trên, chấm với nước mắm Cát Hải pha loãng thêm dấm, ớt, tỏi băm nhuyễn. Trong bát nước chấm có thêm chả lụa và chả thịt viên đậm đà. Bạn có thể ghé đường Cát Cụt, Lạch Tray (đoạn gần Đại học Hàng hải) để ăn bánh cuốn ngon.
9. Sủi dìn
Đây là món ăn vặt đường phố dân dã, có nguồn gốc từ những người Hoa sống tại Sài Gòn. Viên sủi dìn nho nhỏ trong nhân có vừng đen, lạc giã, cùi dừa nạo, được thả vào nồi nước đang sôi, khi chín vớt ra ăn cùng nước dùng sóng sánh thơm mùi mật mía. Bạn có thể ghé các gánh hàng rong bán sủi dìn ở đường Kỳ Đồng, cổng trường Ngô Quyền ở đường Mê Linh, chợ Ga...
10. Chè giun
Thức quà giải nhiệt này khá giống bánh lọt ở miền Nam, hoặc chè Thái. Sở dĩ có tên gọi độc đáo bởi những sợi bột gạo sau khi thành hình hơi giống... giun. Chè giun ăn cùng nước cốt dừa, đá bào, thêm ít hạt trân châu, có vị ngọt thanh, xua tan nóng nực của mùa hè. Bạn có thể ghé đường Đinh Tiên Hoàng, hoặc ngõ Đặng Kim Nở để thưởng thức món này.
Thanh Tuyết