Trong phiên chất vấn Quốc hội mới đây, khi được hỏi "Bao giờ du lịch Việt Nam bằng Thái Lan, Malaysia", Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói: "Tôi không dám trả lời, xin nhường lại nhiệm kỳ sau". Điều đó phần nào phản ánh khoảng cách giữa du lịch Việt Nam với các nước láng giềng phát triển hơn.
Báo cáo thường niên Du lịch việt Nam năm 2014 cho biết chúng ta nằm trong nhóm trên của khu vực Đông Nam Á, sau Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia.
Trên quy mô toàn cầu, Việt Nam xếp hạng 40 về lượng khách quốc tế đến. Các nước khác trong khu vực có thứ hạng cao hơn gồm Malaysia (hạng 12), Thái Lan (14), Singapore (25) và Indonesia (34).
Nếu tính về tổng doanh thu từ du lịch quốc tế, Việt Nam có thứ hạng 36 trên thế giới, năm ngoái đạt 7,3 tỷ USD. Nước đứng đầu khu vực, Thái Lan, có số thu từ du lịch quốc tế nhiều gấp 5 lần Việt Nam
Nhiều danh hiệu tốt đẹp đã được dành tặng cho Việt Nam trong lĩnh vực du lịch. Tạp chí Forbes của Mỹ từng chọn Việt Nam vị trí thứ 3 trong top 10 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới nên tham quan năm 2015, Hà Nội được tạp chí Travel & Leisure chọn đứng vị trí thứ 7 trong top 10 thành phố châu Á, Tripadvisor chọn Đà Nẵng đứng đầu danh sách điểm du lịch đáng đến năm 2015...
Thế nhưng những danh hiệu này không đủ để kéo khách quay trở lại và đưa du lịch Việt Nam đuổi kịp các nước láng giềng. Nhiều việc gây ấn tượng xấu của du lịch Việt Nam bị phản ánh trên báo quốc tế, và nhận lại phản ứng từ du khách. Trong số này có các trường hợp du khách bị mất cắp đồ ngay khi xuống sân bay, bị trộm iPad khi đang đi trên xe buýt; nạn áp giá cao quá đáng đối với khách nước ngoài.
Chẳng hạn, sau vụ việc du khách Anh bị buộc trả tiền chuộc máy ảnh rơi ở Quảng Bình, các du khách khác chia sẻ với chị này và than phiền về cảm giác bị lợi dụng. "Họ coi chúng ta không khác gì trụ ATM biết đi" và dọa "sẽ không bao giờ quay lại" nữa.
Các vấn đề như an toàn cho du khách, nạn chặt chém có thể là nguyên nhân khiến tỷ lệ khách quay trở lại với Việt Nam không cao, dẫn đến tốc độ tăng trưởng du khách chậm hơn các nước láng giềng.
Trong giai đoạn 2000-2014, số lượng khách quốc tế đến Campuchia tăng 10 lần, từ 400.000 lên 4 triệu; tốc độ tăng của Lào lên 6 lần. Cùng thời gian, con số này đối với Việt Nam là 4 lần.
Xem thêm: Bộ trưởng nhường câu trả lời về du lịch cho người kế nhiệm
Thảo Nghi