Nghị quyết được ban hành hôm nay, nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút được 17 đến 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP. Tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD; tạo ra 4 triệu việc làm đến năm 2020.
Trong vòng 10 năm sau đó, du lịch cần thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các lĩnh vực khác, đưa Việt Nam vào nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á, nghị quyết nêu.
Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Chính trị đề ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, từ đổi mới tư duy, nhận thức; cơ cấu lại ngành du lịch; hoàn thiện thể chế, chính sách đến đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật; tăng cường xúc tiến quảng bá, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực; tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.
Trong số các biện pháp có việc tiếp tục hoàn thiện, ban hành chính sách tạo thuận lợi tối đa và đơn giản về thủ tục thị thực nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Đẩy mạnh thực hiện chính sách "mở cửa bầu trời", tạo điều kiện cho các hãng hàng không mở các đường bay mới kết nối Việt Nam với thị trường nguồn, tăng cường tần suất các đường bay có sẵn; giải quyết các điểm nghẽn và tình trạng quá tải tại các cảng hàng không.
Năm 2016, Việt Nam đạt kỷ lục đón 10 triệu lượt khách quốc tế, trong đó ngoài khách đến từ Đông Bắc Á, khách đến từ các nước Tây Âu được đánh giá là có sự tăng trưởng "chưa từng có", hơn 20%. Ngành du lịch năm qua được tạo điều kiện với việc quyết định thành lập Quỹ phát triển du lịch, cấp thí điểm visa điện tử, visa tại cửa khẩu cho khách du lịch quốc tế... Việt Nam hiện là nước có tốc độ tăng trưởng du lịch cao trong khu vực.