-
17h55
Phát triển ngành du lịch là chủ trương nhất quán của cả nước
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khép lại tọa đàm. Ông hoan nghênh tất cả những lãnh đạo, doanh nghiệp lữ hành... đặc biệt là bộ máy tư lệnh của ngành du lịch có mặt tại tọa đàm. Theo ông, đây có thể được gọi là "hội nghị diên hồng" của ngành du lịch Việt Nam trong bối cảnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Ông Lộc cho biết Việt Nam được đánh giá là một trong những nước tiềm năng về du lịch. Tuy nhiên, hiện tại, chúng ta mới chỉ nhìn thấy phần nổi, còn những phần chìm như: sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, di sản văn hóa, vẫn còn có thể khai thác. Ông đánh giá cao về tiềm năng du lịch của Việt Nam và mong muốn đưa đất nước trở thành điểm sáng của du lịch trên toàn thế giới, biến ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để phát triển, ngành du lịch cần làm rất nhiều việc như: cải thiện chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng... Đồng thời, chúng ta cần tăng cường du lịch nội địa. Ông cho biết: "Thị trường Việt Nam là không gian phát triển vô tận. Con người Việt Nam cũng rất giàu năng lượng và tràn đầy sức sống".
Bên cạnh đó, ông khẳng định, sức mua của người Việt rất cao, tốc độ tăng trưởng mức độ tiêu dùng đồ hàng hiệu rất nhanh. Muốn khai thác, phát triển vấn đề này, chúng ta cần chú trọng xây dựng hình ảnh ATK (an toàn khu). Về chiến lược "Người Việt Nam ưu tiên du lịch Việt Nam", ông muốn dùng khẩu hiệu "Yêu Việt Nam, đi du lịch Việt Nam" cho cả du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, kiến tạo dịch vụ thân thiện với từng cá nhân, kết nối địa phương để tạo nên chuỗi liên kết phát triển du lịch. Về truyền thông, ông đề nghị xây dựng kịch bản riêng cho du lịch Việt Nam, tăng cường chất lượng các chương trình đã có trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước. Ông cho biết, VCCI sẽ phát động cuộc thi để có thêm nhiều sáng kiến phát triển du lịch.
Về mở cửa thị trường du lịch quốc tế, ông cho biết đây là vấn đề ảnh hưởng đến mọi ngành, lĩnh vực như: du lịch, thương mại, kinh tế, ngoại giao... và các nhà đầu tư. Do đó, cần triển khai nhanh chóng để tránh đánh mất cơ hội từ các nguồn lực nước ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam phải mở cửa thông minh và tuân thủ nguyên tắc quản lý rủi ro trước tình hình Covid-19 phức tạp.
Cuối cùng, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc cho rằng chúng ta cần phải có sự kết hợp giữa du lịch truyền thống với du lịch 4.0. Ngoài ra, chính sách trợ giúp hiện nay chưa rõ ràng và thực sự thiết thực. Ông đề nghị trong gói giải pháp sẽ bổ sung chính sách hỗ trợ cho ngành du lịch và ngành hàng không. Các chính sách cho vay với lãi suất thấp hoặc không có lãi suất đều rất cần thiết.
Ông Nguyễn Trung Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cảm ơn những ý kiến đóng góp của đại biểu tại diễn đàn, đây là những ý kiến quý báu gíup tham mưu cho Bộ để phát triển du lịch trong giai đoạn mới. Hy vọng thị trường du lịch Việt Nam trong thời gian tới sẽ phát triển mạnh mẽ, tạo điều kiện để thí điểm mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Hy vọng các đại biểu sẽ sát cánh với bộ và tổng cục để đưa ra nhiều giải pháp, giúp ngành du lịch phát triển hơn nữa.
-
17h30
Có thể hướng du lịch Việt Nam thành nơi tận hưởng cuộc sống
Tham gia đóng góp ý kiến cho phiên thảo luận, Ông Cao Hoài Dương - Chủ tịch PV Oil đưa ra hai kiến nghị để ngành du lịch có thể phát triển bùng nổ sau Covid-19.
Trước tiên, ông nhận định, Covid-19 gây ra nhiều thiệt hại, nhưng trong nguy có cơ, nhiều du khách Việt thay vì đi du lịch nước ngoài chọn các điểm đến trong nước và nhận ra nhiều cảnh đẹp của đất nước. Sau Covid-19, lượng khách trong nước sẽ tăng lên vì vậy, theo ông để tận dụng cơ hội này, Việt Nam nên có thêm nhiều kỳ nghỉ dài hơn để các gia đình có thể thuận lợi lên kế hoạch đi du lịch.
Thứ hai, đại diện PV Oil cho rằng, sau Covid-19, khi xu hướng của khách du lịch là bên cạnh kiếm tiền, phải tận hưởng cuộc sống, vì vậy thay vì đưa thông điệp là "vẻ đẹp bất tận", Việt Nam có thể truyền tải hình ảnh là một điểm đến để tận hưởng và tái tạo cuộc sống.
Cũng đóng góp tham luận, ông Lê Vũ Thắng - thành viên Câu lạc bộ doanh nhân Sao Đỏ cho biết tất cả người đi du lịch đều mong muốn có cảm xúc tốt từ sự thân thiện của con người. Do đó, chúng ta nên chú trọng yếu tố này hơn từ điểm chạm đầu tiên khi khách tới du lịch như tài xế taxi, người chỉ đường... Ông mong rằng các địa phương tuyên truyền cho từng cá nhân, từ người dân đến cán bộ để tạo thành chuỗi dịch vụ thân thiện với du khách. Ông khẳng định, địa phương chắc chắn thu hút du khách nếu xây dựng tốt yếu tố này.
-
17h20
Doanh nghiệp du lịch sẵn sàng đón khách quốc tế tới Việt Nam
Ông Phùng Hữu Hoàng, Phó giám đốc Văn phòng Saigon Tourist Hà Nội tiết lộ các công ty du lịch lớn, nhỏ đều đang có tín hiệu đáng mừng. Nhiều công ty ký được những hợp đồng du lịch lớn trong tháng 5, 6. Ông nhận thấy chưa bao giờ các hãng hàng không, khách sạn có sự gắn kết chặt chẽ như vậy. Và đây là lần đầu tiên người Việt được sử dụng dịch vụ du lịch cao cấp với giá cả hợp lý. Bên cạnh đó, khi dịch Covid-19 tái diễn, các hãng hàng không, khách sạn lớn đã có chủ trương hỗ trợ những doanh nghiệp lữ hành như chỉ đạo bảo lưu toàn bộ số tiền mà khách hàng đã đặt cọc. "Ngành du lịch và du lịch nội địa của Việt Nam đang kinh doanh như công tắc điện, họ bật, tắt, đóng, mở, theo thời sự của Covid-19", ông nói.
Ông Hoàng cũng như các doanh nghiệp khác khẳng định sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, theo ông, các bộ, ngành cần xem lại sau Covid-19, kinh tế đi xuống, cần có cuộc khảo sát về nhu cầu điểm đến của du khách trên thế giới. Nếu họ muốn tới Việt Nam thì sẽ tới địa điểm nào và cách để thu hút họ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần xem lại nguồn nhân lực khi Covid-19 lắng xuống. "Tôi tin chắc ngành du lịch Việt Nam, không chỉ nội địa mà quốc tế sẽ phục hồi rất nhanh chóng. Chúng tôi hy vọng tất cả doanh nghiệp du lịch đang và sẽ sẵn sàng khi có khách quốc tế tới Việt Nam", ông kết luận.
-
17h10
Mối quan tâm lớn nhất của khách quốc tế là số ngày cách ly
Theo ông Lê Tuấn Linh, nhà sáng lập Phoenix Voyages, rất nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa. "Chúng tôi luôn sẵn sàng đón khách quốc tế nhưng nguồn lực về tài chính là thách thức rất lớn".
Về chính sách, quyết định mở cửa du lịch sắp tới, ông cho biết, từ ý kiến của khách hàng, đối tác của Phoenix Voyages, vấn đề lớn nhất của du khách là cách ly sau khi nhập cảnh. Tuy lộ trình mở cửa cần triển khai từ từ nhưng Việt Nam cần có chính sách rõ ràng. Tương tự Thái Lan, có thể du lịch thoải mái nếu có hộ chiếu vaccine và ở trên đảo trong 7 ngày.
Ông chia sẻ thêm, các doanh nghiệp đều đang rất cố gắng để duy trì hoạt động. Doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ thiết thực để có thể hoạt động mạnh mẽ khi mở cửa trở lại bởi họ đã bị ảnh hưởng quá nặng nề trước đó.
Nhà sáng lập Phoenix Voyages mong muốn Việt Nam có thể đón khách có hộ chiếu vaccine, đồng thời, đẩy nhanh quá trình tiêm chủng trong nước để đảm bảo yếu tố được ưu tiên nhất - an toàn bởi miễn dịch cộng đồng.
Tiếp nối ý kiến từ ông Tuấn Linh, ông Đỗ Anh Dũng, chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, cho biết tất cả doanh nghiệp có quy mô kinh doanh lớn vẫn có thể vượt qua khó khăn từ Covid-19 trong 3 năm nữa. Nhưng doanh nghiệp nhỏ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nếu họ gặp tình trạng như vậy, tất cả các doanh nghiệp khác cũng khó khăn.
"Tôi đề nghị chúng ta có đề xuất tới Thủ tướng là hỗ trợ hàng nghìn tỷ để họ sử dụng nguồn tiền đó duy trì cán bộ trong ngành du lịch. Tôi nghĩ cần đề xuất đột phá, có thể cho vay không tính lãi suất, hỗ trợ thuế, các chính sách khác...", ông Dũng nói.
-
17h07
Cần phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tàu du lịch
Ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái đưa ra 3 kiến nghị để phát triển du lịch, từ góc độ trong lĩnh vực đầu tư.
Trước tiên, ông cho rằng, Chính phủ nên giúp các tỉnh thành biết được chính sách dài hạn của ngành du lịch và những mục tiêu cần đạt được trong những năm tới. Theo đó, 63 tỉnh thành tuy có "thực đơn" du lịch quá giống nhau, nhưng vẫn có thể đảm bảo các chính sách riêng nằm trong một tổng thể hài hoà của du lịch quốc gia.
Thứ hai, theo ông, cần phải xác định các doanh nghiệp đầu tàu trong lĩnh vực du lịch. Các Bộ, ban, ngành phải nắm được nguyện vọng, hay có chính sách nào đó để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tàu những lúc khó khăn. Lãnh đạo các tỉnh thành khi có doanh nghiệp lớn về đầu tư cho du lịch cũng phải có chính sách hậu thuẫn, hỗ trợ kịp thời.
Cuối cùng, đại diện tâp đoàn Phú Thái kiến nghị cần phải tổ chức các cuộc thi sáng kiến phát triển ngành du lịch Việt Nam, phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù cho từng địa phương. Khi có sản phẩm trau chuốt, khách du lịch sẽ có nhiều cơ hội để hưởng thụ.
-
17h03
An toàn trong ngành hàng không
Ông Trịnh Văn Quyết kiến nghị Cục Hàng không Việt Nam đề xuất Bộ Y tế tiêm vaccine ưu tiên cho tất cả cán bộ tại 23 cảng hàng không, từ nhân viên bảo vệ đến giám đốc, phi công, tiếp viên để đảm bảo an toàn cho du khách. Việc này giúp du khách trong nước và quốc tế an tâm hơn khi tới điểm đến, đảm bảo đúng tiêu chí "du lịch an toàn" Việt Nam đề ra trước đó.Trả lời Chủ tịch Tập đoàn FLC, ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Hàng không Việt Nam cho biết, ngành đã có đề xuất tương tự từ lâu và Bộ Y tế sẽ có sự phân bổ phù hợp tất cả các ngành có nguy cơ đối mặt với dịch bệnh cao.
-
16h55
Cần xác định rõ là có rủi ro khi mở cửa thị trường quốc tế
Theo Ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng ban truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty lữ hành Flamingo Redtours, qua dịch Covid-19, những người làm trong ngành du lịch đều làm việc rất giỏi, thay đổi nhanh chóng, kịp thời. Thực tế, hoạt động du lịch của Việt Nam vẫn đang phát triển tốt so với các nước. Chúng ta đã có những lần kích cầu nội địa rất thành công, kịp thời và linh hoạt đối phó với tất cả tình hình.
Trong giai đoạn tới đây, Việt Nam cần kích cầu du lịch nội địa bằng các chương trình mới mẻ, sáng tạo, không chỉ giảm giá mà còn phải làm mới sản phẩm, đa dạng, có thêm khuyến mại về dịch vụ, nâng cấp chất lượng dịch vụ. Đặc biệt, sản phẩm du lịch dành cho mỗi khách hàng cần được cá biệt hóa.
Ngành du lịch cũng cần mở cửa thị trường du lịch quốc tế bởi thị trường này đem lại nhiều doanh thu. "Công ty của chúng tôi đã rất sẵn sàng đóng khách quốc tế. Chúng tôi đã đưa ra kịch bản. Nếu các ban, ngành chuẩn bị sẵn ba bước mở cửa thị trường hàng không thì ngành du lịch cũng chuẩn bị kế hoạch ba bước để đón khách vào Việt Nam", ông khẳng định.
Tuy nhiên, ngành du lịch cũng gặp một số khó khăn. Đầu tiên là sau hơn một năm Covid-19 diễn ra, thị trường du lịch, tâm lý du khách thay đổi. Còn du lịch quốc tế có thay đổi hay không thì hiện chưa có khảo sát, đánh giá tổng quát. Tổng giám đốc Công ty lữ hành Flamingo Redtours mong muốn Tổng cục Du lịch nghiên cứu lại thị trường, nhu cầu du khách... để định hướng lại cho các công ty lữ hành.
Thứ hai, chúng ta phải xúc tiến trước, cố gắng đưa quỹ xúc tiến du lịch sớm đi vào hoạt động. Việc thứ 3 là một số nhân sự đã đi làm ngành khác, chúng ta cần chuẩn bị đào tạo nguồn nhân lực cho việc phục hồi. Thứ tư là hướng dẫn doanh nghiệp đón khách quốc tế, cần xây dựng sẵn bộ tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn nhưng đừng quá chặt chẽ. Bên cạnh đó, ban, ngành cũng không nên đưa ra những tiêu chí mà doanh nghiệp không thực hiện được. Cuối cùng là cần xác định nếu mở cửa thị trường quốc tế, sẽ gặp những rủi ro. Vậy vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp như thế nào, cần phải có cơ chế cụ thể.
-
16h47
Bamboo Airways sẵn sàng bước vào giai đoạn vận chuyển thương mại
Chia sẻ về kế hoạch đón khách quốc tế, ông Nguyễn Mạnh Quân - Phó tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết, trong năm 2020, trước ảnh hưởng của Covid-19, đơn vị đã phát triển nội địa đồng thời chuẩn bị cho các bước đi phát triển lại thị trường quốc tế. Về cơ bản, năm qua hoạt động bay quốc tế của Bamboo Airways vấn không dừng lại thông qua các chuyến bay đưa công dân về nước.
Để chuẩn bị cho giai đoạn mở cửa trở lại, Bamboo Airways đã nỗ lực để tạo ra môi trường an toàn nhất cho du khách, áp dụng tiêu chuẩn ngặt nghèo nhất trong quá trình vận chuyển hành khách; khuyến khích tự làm thủ tục check-in, giảm thiểu tiếp xúc...
Hiện nay, tổ chức hàng không dân dụng thế giới đã đưa ra sáng kiến Travel Pass – hộ chiếu sức khoẻ của hành khách với sự tham gia của nhiều nước. Bamboo Airways đang tích cực xem xét và chuẩn bị tham gia.
Ông Nguyễn Mạnh Quân đề xuất được chia sẻ dữ liệu của khách hàng giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp, ông kiến nghị cơ quan nhà nước xem xét để đồng bộ thông tin quản lý dữ liệu hành khách từ phòng xét nghiệm đến các nhà chức trách để hành khách tự chuẩn bị hành trang của mình. Ông cho biết, Bamboo Airways vẫn luôn sẵn sàng đón khách và vận chuyển thương mại, thể hiện ở việc trong suốt một năm hãng vẫn thực hiện nhiều bay quốc tế để đưa công dân về nước.
-
16h39
Việt Nam luôn có sẵn giải pháp để mở cửa du lịch quốc tế
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, cho biết ngày 23/3, Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tìm giải pháp đón khách quốc tế trong bối cảnh dịch. Thực tế, khi dịch vẫn đang diễn ra, Bộ vẫn chuẩn bị phương án đón khách du lịch quốc tế, duy trình xúc tiến sản phẩm du lịch dưới hình thức trực tuyến. Trong bối cảnh cạnh tranh khu vực, việc đề xuất phương án đón khách du lịch không chỉ phát triển kinh tế địa phương mà còn tạo thêm cạnh tranh điểm đến.
Về phương án, lộ trình đón khách quốc tế, Bộ sẽ triển khai giai đoạn thí điểm đầu tiên. Nước ta dựa vào hộ chiếu vaccine, kết hợp với công tác xét nghiệm, tuân thủ nguyên tắc 5K để đảm bảo an toàn tối đa cho du khách cũng như người dân địa phương.
Bên cạnh đó, chúng ta còn cần ứng dụng công nghệ để có nền tảng hiển thị chứng chỉ tiêm chủng, phối hợp với địa phương trong việc nghiên cứu chọn địa điểm thích hợp để đón khách quốc tế, từ đó, thúc đẩy quá trình mở cửa du lịch quốc tế.
Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng doanh nghiệp luôn hướng tới nâng cao chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng. Nếu đảm bảo được những điểm này, tỷ lệ mở cửa thành công sẽ khá cao.
Ngoài ra, mở cửa quốc tế không chỉ phát triển du lịch mà còn thúc đẩy giao thương. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định du lịch quốc tế là lĩnh vực quan trọng nhưng nhà nước chưa từng coi nhẹ thị trường nội địa. Từ lâu, Việt Nam đã có chương trình kích cầu du lịch nội địa - "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" nhưng do bối cảnh lúc đó không có khủng hoảng kéo dài như hiện nay nên hoạt động này chưa nổi bật.
-
16h35
Tổ chức các giải đấu thể thao cũng là cách thu hút khách du lịch
Ông Lê Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn Động Lực, Phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam tiết lộ trong thời gian tới, liên đoàn sẽ kết hợp với FLC tổ chức nhiều giải đấu mà từ trước tới nay chưa làm được như giải bóng chuyền trên biển. Đó là điều kiện tạo cơ hội cho du lịch vùng biển tại Việt Nam. Ông dành nhiều lời khen cho FLC vì tổ chức nhiều giải đấu như giải golf lớn nhất từ trước tới nay. "Tôi mong trong thời gian tới, FLC hoặc các đơn vị khác cũng tổ chức giải bóng đá, bóng chuyền trong tầm cỡ khu vực hoặc các giải lớn ở Việt Nam", ông nói.
Chủ tịch Tập đoàn Động lực cho biết hiện tại, nhiều giải đấu quốc tế đã được tổ chức khi vận động viên có visa Covid-19. Ông mong muốn các giải đấu tại Việt Nam cũng hấp dẫn, thu hút vận động viên nước ngoài sang thi đấu. Ông mong muốn liên đoàn bóng đá - bóng chuyền có thể tăng cường trận đấu khi có dịp phù hợp nhằm thu hút du khách từ khắp nơi.