Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) thuộc Liên Hợp Quốc, 700 triệu người đã đi du lịch quốc tế từ tháng 1 đến 7 năm nay, tăng 43% so với cùng kỳ 2022 và bằng 84% so với năm 2019. Trung Đông, châu Âu và Phi dẫn đầu sự phục hồi. Trong đó Trung Đông là khu vực duy nhất đón lượng khách vượt năm 2019, cao hơn 20%.
Châu Âu đón lượng khách bằng 91% so với cùng kỳ trước dịch, phần lớn khách đến từ trong khối EU và Mỹ. Châu Phi phục hồi 92% và châu Mỹ đứng thứ 4 với mức phục hồi đạt 87%.
Tại châu Á - Thái Bình Dương, tốc độ phục hồi đạt 61%. UNTWO đánh giá sự phục hồi này "rất nhanh" so với 2022 nhờ nhiều thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản nới lỏng các biện pháp kiểm dịch và mở cửa trở lại.
Tại Việt Nam, số liệu mới nhất của Cục Du lịch Quốc gia chỉ ra trong 10 tháng đầu năm đón 10 triệu lượt khách quốc tế, bằng 67% so với cùng kỳ 2019.
Tháng 7 là tháng cao điểm nhất với hơn 145 triệu khách quốc tế được ghi nhận, chiếm 20% tổng số khách đi du lịch thế giới trong 7 tháng. "Dữ liệu một lần nữa cho thấy du lịch đang phục hồi mạnh mẽ ở mọi nơi trên thế giới", tổng thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili cho biết.
Pololikashvili nói thêm ngành du lịch cũng cần phải thích nghi với những thách thức khi bắt đầu hồi phục lại như khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng diễn ra toàn châu Âu vào mùa hè năm nay. Bên cạnh đó lượng khách bắt đầu đi du lịch trở lại đông dẫn đến cần xây dựng hệ thống quản lý toàn diện, bền vững hơn trên toàn cầu.
Dự đoán quý IV năm nay ngành du lịch thế giới vẫn tiếp tục phục hồi nhưng "ở mức vừa phải" so với mùa cao điểm tháng 6-8.
Theo Hội đồng chuyên gia của UNWTO, nền kinh tế đầy thách thức tiếp tục là yếu tố ảnh hưởng đến sự phục hồi hiệu quả của du lịch thế giới vào năm 2023.
Lạm phát kéo dài, giá dầu tăng cao khiến chi phí vận chuyển và chỗ ở cao hơn. Điều này ảnh hưởng ít nhiều đến xu hướng đi du lịch của du khách như tiết kiệm chi phí hơn, đi gần nhà hơn và các chuyến ngắn ngày hơn.
Anh Minh (Theo UNTWO)