Dịch viêm phổi do virus corona đã khiến hơn 8.300 khách quốc tế và 8.100 khách Việt Nam huỷ tour đến Hà Nội, tương ứng với hơn 13.000 phòng khách sạn trên toàn thành phố ngừng hoạt động, theo ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội.
Cách Hà Nội 50 km về hướng tây bắc, Vĩnh Phúc đã khoanh vùng huyện Bình Xuyên, giới hạn việc ra vào sau khi phát hiện những ca nhiễm virus corona ở địa phương này. Trước đây, mỗi tháng tỉnh đón khoảng 500.000 lượt khách, tập trung chủ yếu tại Tây Thiên, Tam Đảo và khách sạn Flamingo Đại Lải.
Tuy nhiên, theo ước tính của ông Nguyễn Xuân Nhâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Vĩnh Phúc, dịch bệnh đang khiến lượng khách giảm đến 40%. Đầu xuân, đường lên Tây Thiên, Tam Đảo luôn ùn tắc nhưng năm nay thông thoáng vì không có khách, hơn 100 khách sạn và hàng trăm nhà nghỉ trong tỉnh thiệt hại nặng..
Đón 5,7 triệu khách quốc tế vào năm ngoái, Quảng Ninh đang rơi vào đợt sụt giảm đến 90% lượt khách. Bà Nguyễn Thị Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, cho biết, trước đây trung bình mỗi ngày có 12.000 lượt khách tham quan vịnh Hạ Long nhưng đến 4/2 chỉ còn 3.000, và chắc chắn tiếp tục giảm.
Hoạt động du lịch tạm ngừng kéo theo 4.000 lao động trên các tàu, bè cung cấp dịch vụ trong vịnh không có việc làm. "Chúng tôi chưa tìm được cách trả lương cho họ. Nếu các di tích, thắng cảnh đóng cửa, du lịch cũng chết", bà Bảo nói.
Ở vùng biên giới phía Bắc, Lào Cai ghi nhận lượng khách quốc tế cao kỷ lục năm 2019 là hơn 800.000 lượt, đa phần là khách Trung Quốc. Trong 10 ngày đầu năm Âm lịch, 10.000 khách Trung Quốc đã huỷ tour, ảnh hưởng đến một nửa hệ thống khách sạn trên toàn tỉnh.
Ông Hoàng Văn Tuyên, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lào Cai, cho biết việc đóng cửa biên giới và ngừng các tour du lịch đã khiến 15.000 người lao động trực tiếp trong ngành tạm thời thất nghiệp. Giải pháp tình thế được đưa ra liên tục nhưng kéo theo nhiều vấn đề phát sinh. "Tiền hộ chiếu, visa các doanh nghiệp đã nộp đủ nhưng chưa biết có được hoàn trả lại hay không kể từ khi đóng cửa biên giới khẩn cấp", ông Tuyên nói.
"Đến nay chúng tôi thiệt hại 95% doanh số", bà Tú Anh, Phó Giám đốc một doanh nghiệp lữ hành tại Nghệ An chia sẻ. Địa phương này không đón nhiều du khách quốc tế, khoảng 680 lượt mỗi tháng, tuy nhiên dịch bệnh đã khiến hơn một nửa lượng khách nội địa huỷ tour của các doanh nghiệp trong tỉnh.
Các tỉnh miền Trung từ Thừa Thiên Huế đến Đà Nẵng, Bình Định đến nay vẫn được coi là an toàn, khi chưa xuất hiện ca nhiễm virus nào. Tuy nhiên, Hiệp hội Du lịch các địa phương này đều thông báo thị trường khách nội địa và quốc tế sụt giảm hơn 50% từ đầu năm Âm lịch.
Những điểm đến nổi tiếng ở Khánh Hòa luôn trong tình trạng vắng vẻ. Năm 2019, địa phương đã đón 3,6 triệu lượt khách quốc tế, trong đó khách Trung Quốc chiếm đến 70% (2,5 triệu lượt). Đến nay, ngành du lịch của tỉnh gần như đóng băng, hơn 5.000 người Trung Quốc vẫn đang kẹt lại.
Anh Lê Hồng Thanh, tổng quản lý khách sạn Nha Trang Horizon, cho biết doanh nghiệp này thiệt hại nặng khi tạm ngừng hoạt động du lịch với Trung Quốc. "Chúng tôi có 210 nhân sự và chưa biết giải quyết thế nào khi không có khách. Trước mắt tôi đang cho một số người tạm nghỉ", anh Thanh giãi bày.
Ngành du lịch đang trải qua một cuộc khủng hoảng lớn, theo bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch TP HCM. Trên địa bàn đang có hiệu ứng domino trong tâm lý du khách, khi họ tìm tới đòi lại tiền, huỷ tour hàng loạt vì e ngại virus corona. Ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Du lịch Việt cho biết, từ Tết Nguyên đán, doanh nghiệp đã phải huỷ tour của hơn 200 đoàn khách.
Trong cuộc họp giữa các hiệp hội du lịch trên cả nước chiều 5/2, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định, du lịch là ngành dễ bị tổn thương nhất, đồng thời thiệt hại nặng nhất mỗi khi có thiên tai, dịch bệnh hay biến động chính trị. Ước tính ngành du lịch sẽ thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng và không thể phục hồi lập tức ngay cả khi dịch bệnh kết thúc.
Bên cạnh đó, ông Vũ Thế Bình cũng chỉ ra ngành du lịch Việt Nam đang quá phụ thuộc vào khách Trung Quốc, khiến hậu quả đến rất nhanh khi có sự cố xảy ra. Trong giai đoạn này, ông gợi ý các cơ sở dịch vụ nên dành thời gian đào tạo nguồn lao động và nâng cấp cơ sở vật chất để phục vụ du khách tốt hơn khi dịch bệnh đi qua.
Các địa phương và thành viên hiệp hội đều đánh giá, kích cầu du lịch ngay sau đại dịch là "yêu cầu sống còn". Nhiều địa phương không đồng tình việc Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch yêu cầu tạm dừng hoạt động của các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Họ cho rằng chỉ nên ngừng các lễ hội để tránh tập trung đông người, bởi đóng cửa di tích sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cả khách và doanh nghiệp. Đến ngày 6/2, nhiều di tích, thắng cảnh ở Hà Nội hoạt động trở lại sau 2 ngày đóng cửa "để phun thuốc khử trùng". Những giải pháp tình thế đang được thực hiện gồm giám sát và cách ly người nghi nhiễm, phát khẩu trang, nước rửa tay miễn phí cho du khách.
Về giải pháp phục hồi, các thành viên hiệp hội mong muốn được vay vốn, hoãn trả nợ, miễn giảm thuế... để khắc phục hậu quả, đồng thời có các biện pháp miễn, giảm phí visa để tăng tính cạnh tranh, thu hút khách quốc tế quay lại. Ngoài ra, khối doanh nghiệp hy vọng được hàng không chung tay khắc phục các sự cố để giảm thiệt hại, hoàn tiền cho các đơn vị lữ hành và du khách.
Kiều Dương