Ý kiến trên được ông Nguyễn Ngọc Thiện - Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đưa ra tại tọa đàm "Du lịch Việt Nam 2021-2023: Những cơ hội trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ". Ông cho biết, cơ cấu lại thị trường mục tiêu, chuyển hướng tập trung vào thị trường gần và thị trường nội địa là kế hoạch phổ biến của nhiều quốc gia trên thế giới, trong nỗ lực phục hồi ngành du lịch.
Bộ trưởng nhận định, nhu cầu du lịch trong nước của người dân vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác. Lấy dẫn chứng trong năm 2020, Việt Nam đã triển khai 2 chiến dịch kích cầu du lịch nội địa, nhận được sự hưởng ứng và tham gia mạnh mẽ của các địa phương, doanh nghiệp, cơ quan truyền thông trong cả nước. Kết quả, lượng khách nội địa trong năm qua đạt 56 triệu lượt, mang lại doanh thu khoảng 312.200 tỷ đồng.

Trong năm 2020, Việt Nam được gọi tên trong nhiều hạng mục giải thưởng du lịch như: điểm đến di sản, điểm đến ẩm thực hàng đầu của Tổ chức Giải thưởngDu lịch thế giới (World Travel Awards) . Ảnh: Trung Phạm
Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, khẳng định Việt Nam có thế mạnh là nền văn hóa gắn liền cùng thiên nhiên và sở hữu vẻ đẹp tiềm ẩn. Đất nước ta có không gian đủ lớn để người dân khám phá, không cần phải đi ra bên ngoài.
Để góp phần phục hồi du lịch, ông đề xuất phát động cuộc thi, về những sáng kiến phát triển du lịch trong phạm vi toàn quốc. Qua đó, định hướng phát triển sẽ được tìm ra từ chính việc tìm hiểu văn hóa, lịch sử Việt Nam. Cuộc thi cũng giúp truyền thông, giới thiệu vẻ đẹp mảnh đất hình chữ S đến du khách trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, phục hồi du lịch không có nghĩa là quay trở lại thời điểm trước Covid-19. Mọi người trở nên yêu và trân trọng giá trị cuộc sống, kèm theo nhu cầu du lịch những vùng nông quê, gần gũi với thiên nhiên, thay vì tới nơi phồn hoa, nhiều trung tâm thương mại như trước kia. Vì vậy, ông Lộc cho rằng, doanh nghiệp cần tạo nên nhiều dịch vụ mới, từ chính nền tảng hiểu biết về đất nước, bên cạnh các chính sách giảm giá.
Doanh nghiệp, địa phương chủ động kích cầu
Nhận định nhu cầu và tiềm năng du lịch nội địa còn rất lớn, bà Hương Trần Kiều Dung - Phó chủ tịch tập đoàn FLC, kiến nghị các cơ quan nhà nước nên tiếp tục phát động các chương trình du lịch nội địa và truyền thông tổng thể để người dân tiếp nhận thông tin. Theo đó, các doanh nghiệp chủ động thu hút du khách, với 3 tiêu chí hàng đầu là an toàn, tiêu chuẩn dịch vụ, chi phí.
Dưới góc độ doanh nghiệp, bên cạnh triển khai các gói kích cầu trước đó, tại Thanh Hóa, tập đoàn đã tổ chức nhiều tọa đàm, nhạc hội... để tự phát triển và đóng góp cho địa phương, phát triển du lịch vùng.
Thời gian tới, tập đoàn sẽ tổ chức lễ hội hoa lớn nhất cả nước, giải thể thao như bóng chuyền bãi biển ở Thanh Hóa. Sau đó tiến tới triển khai tại nhiều địa phương khác như Quảng Ninh, Ninh Bình... Hãng hàng không Bamboo Airways triển khai hình thức nghỉ dưỡng chơi golf, hướng tới mục tiêu người dân đến đâu cũng có thể trải nghiệm môn thể thao này.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, kiến nghị 63 tỉnh, thành tổ chức tọa đàm kích cầu du lịch, để thu hút các cơ quan truyền thông, doanh nghiệp chung sức. Các vùng đồng loạt thực hiện, để du lịch Việt Nam phát triển đồng đều hơn.

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông cách TP Thanh Hóa 130 km là điểm đến thu hút du khách với vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng. Ảnh: Trần Huy Thắng
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc công ty Lữ hành Flamingo Redtours, Trưởng ban truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh "Tôi kêu gọi doanh nghiệp du lịch trong thời gian tới sử dụng khẩu hiệu 'Du lịch Việt chinh phục du khách Việt' và cần xác định khách nội địa là thị phần quan trọng, thay vì coi khách họ là thị phần bổ sung hay giải pháp để giải cứu doanh nghiệp".
Ông lý giải, qua dịch Covid-19, chúng ta nhận thấy rõ du khách nội địa có nhu cầu du lịch lớn, ổn định và khả năng chi trả cao. Điều này thể hiện rõ khi mỗi đợt dịch được kiểm soát, người dân du lịch ồ ạt trở lại và họ sẵn sàng chi trả cho những dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp trong nước.
Doanh nghiệp không nên tiếp tục đóng vai trò bị động trong các chiến dịch kích cầu, mà chủ động nghiên cứu thị trường, nhu cầu của du khách nội địa, để xây dựng sản phẩm cá biệt hóa với từng đối tượng khách. Khi giảm giá không còn là yếu tố chủ chốt để hấp dẫn du khách, thì cần đẩy mạnh các sản phẩm mới, tăng thêm giá trị trải nghiệm cho du khách.
Ông Hoan nêu thêm, các địa phương cần chủ động tham gia vào chương trình kích cầu. Đầu tiên là huy động các đơn vị du lịch trong địa phương tham gia, kiểm soát và quản lý họ. Thứ 2 là xung phong trong việc kích cầu, giảm giá dịch vụ tại các khu, điểm tham quan. Ông lấy ví dụ về Đà Nẵng, với chương trình thu hút du lịch MICE, như tổ chức đón tiếp, tặng quà lưu niệm và hỗ trợ cơ sở vật chất, vận chuyển, tại các khu điểm du lịch...
Chuẩn bị sẵn sàng trong mùa du lịch hè sắp tới, tỉnh Thanh Hóa tập trung tổ chức tốt các hoạt động du lịch thường niên và các sự kiện văn hóa - thể thao - du lịch. Cụ thể là lễ hội festival đường phố, du lịch biển Hải Tiến; sự kiện Hoa hậu Hòa bình Việt Nam; loạt hoạt động từ tháng 4 đến tháng 9.
Ông Nguyễn Văn Thi - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết các đơn vị doanh nghiệp được hướng dẫn để tổ chức hoạt động kinh doanh tập trung. Đồng thời tăng chất lượng, giảm tối đa giá thành dịch vụ để kích cầu du lịch. Tỉnh tập trung nguồn lực công nghệ để thực hiện nhiệm vụ kép, chống dịch và phát triển kinh tế. Tỉnh cũng triển khai dự án tiêm vaccine và sẵn sàng đón khách cách ly.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu, trong kế hoạch phục hồi du lịch của tỉnh. Bên cạnh đó là đẩy mạnh truyền thông điểm đến an toàn, giảm giá vé, dịch vụ để thu hút du khách.
Tọa đàm "Du lịch Việt Nam 2021-2023: Những cơ hội trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ" tổ chức ngày 3/4, do Tổng cục Du lịch, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ, báo điện tử VnExpress phối hợp tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế FLC Sầm Sơn. Tọa đàm gồm hai phiên: "Sức bật thị trường nội địa" và "Mở cửa du lịch quốc tế - Sẵn sàng nguồn lực".
Trong khuôn khổ tọa đàm, các bên cùng thảo luận về hướng đi cho du lịch Việt Nam trong bối cảnh du lịch nội địa đang chuẩn bị đón mùa cao điểm hè 2021, với những dấu hiệu tích cực. Ngoài ra là câu chuyện mở cửa thị trường du lịch quốc tế, đang đặt ra nhiều nhiệm vụ cho toàn ngành.
Lan Hương