Thứ bảy, 28/12/2024
Thứ hai, 11/10/2021, 03:04 (GMT+7)

Du lịch ngắm chim lạ ở Đà Lạt

Đà Lạt không chỉ có đồi thông, các loài hoa mà còn là điểm đến trải nghiệm nhắm chim lý tưởng của các nhiếp ảnh gia yêu thiên nhiên.

Cao nguyên Langbiang có cao độ bình quân khoảng 1.400 m so với mực nước biển, là một trong những vùng chim đặc hữu của Việt Nam. Giữa cao nguyên là Đà Lạt, thành phố xanh với những cánh rừng thông, trang trại trồng rau củ, các công viên, thảo nguyên và đa dạng loài thực vật, hàng trăm loài hoa. Vì thế chim chóc sống quanh thành phố rất đa dạng và không phải đi quá xa thành phố để ngắm chúng. Ảnh: Võ Văn Thanh

Hướng dẫn viên Nguyễn Anh Thế (1984, thường gọi Andy Nguyễn), chủ website Vietnambirds, thường tổ chức các tour ngắm chim, đang dõi theo và chụp chim bên đồi thông ven đường lên đỉnh Langbiang. Ngắm chim là hoạt động tìm hiểu các loài chim ngoài tự nhiên, có thể bằng mắt hay thông qua một số thiết bị hỗ trợ như ống nhòm, máy chụp ảnh chim chuyên dụng.

Hoạt động du lịch xem chim ra đời từ những năm đầu thế kỷ 20 ở Anh, sau đó phổ biến sang các nước khác tại châu Âu, châu Mỹ và Australia, xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 1990 và dần dần có những công ty lữ hành chuyên tổ chức tour này.

Tại Đà Lạt, có những loài chim chỉ thích sống ở khu rừng thông như khướu mỏ quặp Đà Lạt (ảnh), khướu hông đỏ Việt Nam hay loài mỏ chéo. Đây là các loài chim đặc hữu, đã tiến hóa để thích nghi với môi trường sống và khí hậu đặc trưng ở Langbiang và không thể tìm thấy ở các quốc gia khác.

Khướu mỏ quặp Đà Lạt có thể quan sát được tại các đồi thông ở khu vực hồ Than Thở hoặc hồ Tuyền Lâm hay xa hơn một chút tại hồ thủy điện Dankia được bao phủ bởi rừng thông xanh mát.

Một trong những loài chim ấn tượng, có màu sắc đẹp tại Đà Lạt là loài khướu hông đỏ Việt Nam (Vietnamese Cutia). Anh Andy cho biết không khó để gặp loài chim này, chúng thường kiếm ăn trên các cây thông nhưng ít khi xuất hiện ở tầm thấp dưới 5 m, do đó khi chụp thường thấy phần bụng, khó thấy được phần hông đỏ cam.

“Vào một buổi sáng mù sương dày đặc, tôi nghe tiếng chim ríu rít bên bìa rừng thông. Khi quan sát thấy xuất hiện một đàn khướu hông đỏ Việt Nam đang kiếm ăn từ trên ngọn cây thông và cứ thế hạ thấp dần xuống và thật may mắn là lần này, chúng chịu khó di chuyển xuống thấp đến ngang tầm máy ảnh. Đó là một kỷ niệm khó quên vì tôi có thể chụp một cách rõ ràng hình dạng loài chim hiếm”, anh Andy chia sẻ

Tại khu du lịch thác Datanla, cách trung tâm Đà Lạt vài km, du khách ngoài việc tham gia các trò chơi mạo hiểm như trượt ống, đu dây cáp còn có thể thấy nhiều loài chim màu sặc sỡ như bắp chuối đốm đen (ảnh), hút mật bụng vàng, cu rốc Đông Dương, trèo cây đít hung hay loài hoét vàng.

Bắp chuối đốm đen là loài chim dễ gặp, chim có rất nhiều sọc trên đầu, mỏ cong dài, thân trên màu vàng ô liu, thân dưới màu trắng với rất nhiều sọc nhỏ.

Hút mật họng vàng (chim trống) là một loài chim sặc sỡ, với bụng màu vàng, lưng và má màu đỏ, cổ và đầu có ánh tím, trông chúng càng quý phái hơn với phần đuôi dài kiêu sa.

Trước đây, các nhà điểu học chưa tách hẳn phân loài hút mật họng vàng ở Tây Nguyên với phân loài ở phía nam Trung Quốc và miền bắc Việt Nam, cho dù chúng có sự khác biệt rõ về màu sắc và tiếng kêu. Hiện nay, người ta đã tách loài này với tên quen thuộc hơn là Annam Sunbird. Ở khu vực Đà Lạt, hút mật bụng vàng thường xuất hiện trên những tán hoa anh đào Đà Lạt, hoa dâm bụt hoặc hoa trạng nguyên.

Loài trèo cây đít hung, chim có sọc mắt đen dài, thân trên màu xanh xám, cổ trắng, thân dưới nâu nhạt và lông bao dưới đuôi màu nâu hạt dẻ.

Những người săn ảnh chim thường không ngại khó khăn, lặn lội khắp nơi tìm hiểu đặc tính và nắm bắt những giây phút sống động nhất của chúng. Trong ảnh là loài hoét vàng đang tha mồi về nuôi chim non. Loài này có bộ lông có màu vàng cam và xám dễ phân biệt, thường kiếm ăn ở mặt đất.

Nếu may mắn, du khách có thể gặp các loài chim di cư, trú đông tại Datanla như hoét xanh (ảnh), hoét đá họng trắng hay sáo đất. Loài hoét xanh có phần lông màu tím pha xanh sẫm, có tiếng kêu như tiếng huýt sáo vọng xa, thường hoạt động vào bình minh và hoàng hôn.

Hồ Tuyền Lâm, làng Đất Sét là nơi quan sát được nhiều loài chim đẹp sống ở những mảng rừng thấp xen lẫn cây thông, cây bụi ven hồ như vàng anh mỏ cong (ảnh), mỏ rộng bạc, sáo sậu hay loài phường chèo đỏ đuôi dài.

Loài phường chèo đỏ đuôi dài, con mái có mảng lông phần thân dưới màu vàng. Ngoài ra, đến làng hoa Vạn Thành hoặc cánh đồng hoa ở Tà Nung, du khách có thể gặp loài chim sẻ thông họng vàng, loài chim đặc hữu của cao nguyên Langbiang.

Sau khi qua các vùng ngoại ô, du khách quay về trung tâm thành phố thấy nhiều loài chim sống ven bờ hồ Xuân Hương như bói cá, chích bông, cò trắng, cò bợ và cả loài ó cá. Loài này bay lượn trên không rồi bất ngờ sà xuống mặt hồ để vồ lấy một con cá to, sau đó nó bay vút lên, hai chân kẹp lấy con cá bay đến một đồi thông cách đấy không xa và đánh chén ngon lành.

Du lịch ngắm chim khá mới mẻ ở Việt Nam, giúp cho những người có tâm hồn yêu thiên nhiên thêm thoải mái tinh thần. Với các nhiếp ảnh gia thích chụp ảnh chim thì xem đây là một đam mê khó cưỡng. Anh Andy hy vọng qua bộ ảnh, các loài chim tại Đà Lạt lan tỏa được tình yêu thiên nhiên khi du khách đến với Đà Lạt.

Thiên nhiên vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà

Huỳnh Phương
Ảnh: Andy Nguyễn

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net