Những năm gần đây, các tỉnh Đông Bắc trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều du khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt, nơi đây sở hữu hơn 2.000 di tích lịch sử văn hóa cùng gần 30 dân tộc thiểu số sinh sống. Điều này thu hút khách du lịch đến nhiều hơn để tìm hiểu văn hóa bản địa, cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và nét đẹp con người.
Mùa lúa chín Hoàng Su Phì (Hà Giang)
Đến Hoàng Su Phì mùa lúa chín khoảng tháng 10 hàng năm, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, chạy dài từ ven suối lên đỉnh núi, tạo thành bức tranh thiên nhiên vàng óng.
Không gian ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đẹp nhất vào mùa nước đổ (khoảng tháng 4-6 hàng năm) và mùa lúa chín (tháng 9-10 hàng năm). Thời điểm này, sắc trắng của nước, màu vàng của lúa nổi bật trên nền xanh của cây rừng, núi non, mây trời, tạo nên một bức tranh thiên nhiên rực rỡ.
Những năm gần đây, vào mùa lúa chín, huyện Hoàng Su Phì tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thu hút khách tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ruộng bậc thang.
Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang)
Được ví như "thiên đường xám", cao nguyên đá Đồng Văn từ lâu trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách mỗi khi ghé thăm Hà Giang. Cảnh sắc núi non hùng vĩ, trùng điệp được điểm xuyết của những mùa hoa tạo cảm giác lãng mạn cho du khách tới đây.
Đây là một trong những vùng đá vôi đặc biệt của cả nước, có sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với du khách và những nhà nghiên cứu khoa học bởi nó chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển của vỏ trái đất, hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc, tính đa dạng sinh học cao...
Dinh thự họ Vương (Hà Giang)
Dinh thự họ Vương (dinh thự vua Mèo) tọa lạc tại thung lũng Sà Phìn. Căn nhà cổ này gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của 2 cha con người H’Mông là vua Mèo Vương Chính Đức và Vương Chí Sình.
Công trình độc đáo, được xây dựng từ đầu thế kỷ 20, mô phỏng theo kiến trúc Trung Quốc (đời Mãn Thanh) với những đường cong, nét lượn, trạm trổ tinh xảo. Đây không chỉ là dinh thự mà còn là pháo đài phòng thủ giữa cao nguyên đá trong thời kỳ lịch sử.
Nhà Vương có diện tích trên 1.000 mét đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Khu dinh thự này đã được trùng tu lại và trở thành một điểm nhấn độc đáo trong chuyến du lịch đến cao nguyên đá Đồng Văn.
Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang)
Tọa lạc ở nơi cao nhất của "mỏm cực Bắc", đây biểu tượng thiêng liêng của chủ quyền Tổ quốc. Nhìn từ xa, cột cờ sừng sững trên đỉnh núi Rồng, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió đầy kiêu hãnh. Với mỗi người dân Việt Nam, được đặt chân đến đây, chạm tay vào lá cờ Tổ quốc rộng 54 m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em, đều cảm thấy tự hào.
Cột cờ Lũng Cú nằm ở độ cao trung bình 1.600 m so với mực nước biển, bên trái là thung lũng Thèn Ván, bên phải là đầu nguồn dòng sông Nho Quế bắt đầu từ Vân Nam Trung Quốc đổ về Đồng Văn, Mèo Vạc.
Đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang)
Đây được mệnh danh là một trong "tứ đại đèo" của Việt Nam. Từ đây, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh cao nguyên đá hùng vĩ với một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu sông Nho Quế xanh màu ngọc bích.
Mã Pì Lèng độc đáo, hiểm trở đáng để du khách chinh phục trong hành trình đến với mảnh đất này. Các tài liệu lịch sử ghi lại, cung đường đèo được hàng chục nghìn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc làm trong 6 năm (1959-1965) với trên 2 triệu lượt ngày công lao động. Trong đó, riêng đoạn đèo vượt Mã Pì Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng centimet để làm trong 11 tháng.
Thác Bản Giốc hùng thiêng (Cao Bằng)
Bản Giốc là một trong những thác nước đẹp nhất Việt Nam, là thác nước tự nhiên lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Du khách đến đây sẽ có được những trải nghiệm hấp dẫn, quý báu.
Vào mùa thu, nước dòng Quây Sơn có màu ngọc bích. Trên mặt sông, hơi nước hình thành một khoảng sương mù, khi soi rọi dưới ánh nắng mang đến khung cảnh huyền ảo. Nhìn từ góc thấp, các dòng thác như dải lụa làm say lòng nhiều khách tham quan và các nhiếp ảnh gia đến sáng tác. Tháng 9, 10 là thời gian lý tưởng để mọi người đến Cao Bằng khám phá thác Bản Giốc.
Khu di tích lịch sử Pác Bó (Cao Bằng)
Cách TP Cao Bằng 55 km về phía bắc, di tích Pắc Bó nằm ở xã Trường Hà, huyện Hà Quảng. Đây là một di tích cách mạng nổi tiếng ở địa đầu tổ quốc, nơi chủ tịch Hồ Chí Minh từng làm việc và trực tiếp lãnh đạo cuộc mạng của dân tộc.
Đến đây, du khách có thể thăm thú suối Lê Nin xanh mướt mát hay hang Cốc Bó, bãi Cỏ Rạc, suối Nậm, núi Các Mác... Có người còn ví von Pác Bó tựa như tiểu Cửu Trại Câu của Việt Nam với làn nước xanh trong, cây cối hoang sơ, không khí trong lành, yên tĩnh.
"Hạ Long trên cạn" Na Hang (Tuyên Quang)
Na Hang là khu du lịch nằm ở hai huyện Na Hang và Lâm Bình, Tuyên Quang. Nơi đây cách TP Tuyên Quang khoảng hơn 100 km, đường đi dễ. Là hợp lưu của sông Lô và sông Gâm, Na Hang có 8.000 ha mặt nước, xung quanh là núi đá vôi đồ sộ, rừng nguyên sinh xanh thẳm.
Nhìn từ trên cao, Na Hang càng có nét tương đồng với vịnh Hạ Long. Mùa đẹp nhất để đến Na Hang là vào tháng 5 đến tháng 9 hàng năm vì tiết trời mát mẻ, nước dâng cao và luôn trong xanh. Những du khách yêu thích vẻ đẹp huyền ảo nên đến đây vào tháng 11 đến tháng 1 hàng năm.
Khu quần thể du lịch sinh thái Hồ Ba Bể (Bắc Kạn)
Ba Bể là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất thế giới và cũng là hồ thiên nhiên lớn nhất Việt Nam, nằm trong vườn Quốc gia Ba Bể.
Với cảnh quan thiên nhiên độc đáo cùng khí hậu ôn hòa, đây là một trong những địa điểm nổi tiếng hấp dẫn du khách đến khám phá và trải nghiệm.
Mặc dù nằm ở độ cao 145 m so với mực nước biển nhưng hồ Ba Bể luôn giữ được màu xanh của mây trời hòa quyện. Đặc biệt vẻ đẹp ấy còn trở nên quyến rũ hơn nữa khi sáng sớm, sương mù chưa tan. Du khách ghé thăm hồ Ba Bề ngoài việc thưởng ngoạn vẻ đẹp hữu tình của thiên nhiên còn có cơ hội được trải nghiệm khung cảnh bao la, rộng lớn ấy bằng thuyền độc mộc - phương tiện di chuyển độc đáo tại đây.
Thanh Thư