RMIT Việt Nam đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Những thách thức và giải pháp quản lý nguồn nhân lực và công nghệ trong ngành du lịch - khách sạn". Tại đây, các tiến sĩ, giảng viên và đại diện doanh nghiệp quốc tế cung cấp bức tranh toàn cảnh và giải pháp phát triển bền vững cho ngành du lịch khách sạn toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng.
Nâng cao kỹ năng kinh doanh
Theo các chuyên gia, nguồn nhân lực đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phát triển ngành du lịch và khách sạn Việt Nam.
Cụ thể, TS. Jackie Ong, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam, cho biết sau Covid-19, ngành đang phát triển mạnh mẽ trở lại với nhiều tiềm năng và cơ hội cho các bạn trẻ có đam mê tham gia vào lĩnh vực này. Theo thời gian, lực lượng nhân sự trẻ có thể trở thành lãnh đạo trong các doanh nghiệp du lịch và khách sạn, quản lý cấp cao và doanh nhân.
Tuy nhiên, việc vừa nuôi dưỡng ngành du lịch quốc tế đang mở rộng, vừa duy trì ngành du lịch trong nước vững mạnh đòi hỏi sự tham gia của các tổ chức thương mại lớn. Điều này được thúc đẩy bởi các chiến lược kinh doanh phức tạp.
"Quản lý cấp cao cần phải có kỹ năng kinh doanh cao tương đương để đối mặt với những thách thức mà Việt Nam gặp phải trong bối cảnh du lịch quốc tế cạnh tranh", bà nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Minh Thu, Giám đốc Nhân sự Sheraton Saigon Hotel & Towers cũng khẳng định, ngành du lịch và khách sạn Việt Nam cần có sự chuẩn bị cho hành trình hướng tới các hoạt động nhân sự bền vững. Việc khơi dậy sự thay đổi cần bắt đầu từ nhận thức. Do đó, các doanh nghiệp nên cân nhắc việc thiết kế lại công việc, hợp tác với các bộ phận liên quan và thúc đẩy tinh thần đồng đội.
"Với các nhà lãnh đạo, lời nói phải đi đôi với hành động, làm gương cho người khác noi theo", bà nói thêm.
Ứng dụng công nghệ và tính kết nối
Bên cạnh nguồn nhân lực, công nghệ cũng là một trong những yếu tố hàng đầu trong việc chuyển đổi cục diện ngành du lịch. Các chuyên gia nhận định việc nắm bắt các công nghệ tiên tiến điều tất yếu, không phải lựa chọn.
Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, Phó chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam chia sẻ, sự trỗi dậy của số hóa đã định hình lại cách mọi người đi du lịch, đặt phòng và lên kế hoạch cho chuyến đi của mình.
Tại Việt Nam, theo khảo sát trên 2.614 người Việt, thực hiện vào tháng 11/2020 của Statista cho thấy 60% số người tham gia biết và sử dụng đại lý du lịch trực tuyến. Sự thay đổi theo hướng số hóa này không chỉ giới hạn ở đặt phòng, mà còn mở rộng sang việc sử dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm du lịch tổng thể.
Ông cung cấp thêm dữ liệu một một cuộc khảo sát do nền tảng công nghệ du lịch Egencia thực hiện: 74% khách du lịch sử dụng thiết bị di động để nghiên cứu các lựa chọn du lịch của họ.
"Điều này càng khẳng định các doanh nghiệp trong ngành du lịch cần thích ứng với xu hướng này và cung cấp giải pháp thân thiện với thiết bị di động", ông đề xuất.
Một bước phát triển đáng kể khác trong ngành du lịch là sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (Machine Learning). Những công nghệ này có thể tạo ra trải nghiệm du lịch cá nhân hóa cho khách hàng. Ví dụ, các chatbot hỗ trợ bởi AI giúp hành khách lên kế hoạch cho chuyến đi, đưa ra đề xuất về điểm tham quan địa phương và hỗ trợ đặt chỗ.
Theo ông, những nhân tố thay đổi cuộc chơi trong ngành du lịch, thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường (VR/AR) có thể giúp du khách khám phá các địa điểm trước khi thực sự đặt chân đến. Báo cáo của Greenlight Insights cũng chỉ ra thị trường VR/AR trong ngành du lịch dự kiến sẽ đạt 2,4 tỷ đô la Mỹ trong năm nay.
"Việc sử dụng các công nghệ tiên tiến như thiết bị di động, AI và VR/AR có thể giúp doanh nghiệp tạo ra trải nghiệm du lịch độc đáo, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách ngày nay", ông nói thêm.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Varun Grover, Giám đốc Quốc gia phụ trách Việt Nam và Nam Thái Lan của Booking.com cũng nhận định việc thúc đẩy tương lai du lịch thông qua công nghệ và sáng tạo đòi hỏi cách tiếp cận ba hướng: cam kết kiên định đối với du lịch bền vững, tầm nhìn xa về các chuyến đi có tính kết nối và liên tục theo đuổi quy trình đặt phòng dễ dàng, an toàn hơn.
Tại Booking.com, đơn vị triển khai chương trình du lịch bền vững như một biện pháp đáng tin cậy với quy mô toàn cầu nhằm cung cấp thông tin cho du khách mong muốn đưa ra những lựa chọn du lịch bền vững hơn. Hiện, công ty có hơn 500.000 cơ sở lưu trú trên toàn cầu được công nhận vì những nỗ lực phát triển bền vững và được gắn huy hiệu Du lịch bền vững, trong đó có hơn 5.000 nơi tại Việt Nam.
Giáo dục là gốc rễ để phát triển ngành
Ngoài các giải pháp kinh doanh, công nghệ, các chuyên gia khẳng định, việc phát triển đội ngũ quản lý cấp cao có quy mô cần gắn liền với giáo dục. TS. Jackie Ong khẳng định điều cốt lõi để phát triển thế hệ quản lý cấp cao tiếp theo trong lĩnh vực du lịch, khách sạn khách sạn là bằng cấp chuyên ngành.
Hiện, Đại học RMIT Việt Nam cung cấp nền tảng cho điều này thông qua chương trình Quản trị du lịch và khách sạn. Sinh viên đóng vai trò tương lai của ngành khách sạn. Do đó, trường tăng cường hoạt động học tập kết hợp thực tiễn để phát triển kỹ năng làm việc cho sinh viên và kết nối các nhà tuyển dụng Việt Nam với nhân lực chất lượng.
"RMIT Việt Nam đang chuẩn bị cho sinh viên làm quen và thành thạo các công nghệ, đồng thời, có khả năng tận dụng chúng để mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp. Chúng tôi đang đào tạo để các em có khả năng lãnh đạo sau khi tốt nghiệp", Tiến sĩ Ribeiro bổ sung.
Sinh viên theo học chương trình này được tiếp cận với đánh giá quan trọng về kiến thức làm cơ sở cho các chiến lược, thực hành trong ngành du lịch, khách sạn trong nước và quốc tế. RMIT cũng xây dựng nội dung đào tạo dựa trên xu hướng toàn cầu của ngành khách sạn đang dịch chuyển theo hướng bền vững, du lịch thông minh, phân tích dữ liệu, số hóa, quản lý bất động sản khách sạn và chất lượng dịch vụ.
Chương trình cam kết mang đến cho sinh viên nền tảng giáo dục "biến tri thức thành hành động", nhằm thúc đẩy ngành du lịch và khách sạn phát triển bền vững hơn cho Việt Nam, cộng đồng toàn cầu.
Nhật Lệ