Thị thực xuất nhập cảnh (visa) là giấy tờ cho phép công dân nước này nhập cảnh và lưu trú hợp pháp tại một nước khác trong một thời gian nhất định.
Phần thuyết minh cho du lịch Việt Nam luôn bắt đầu bằng một đoạn rất dài nói về cách lấy thị thực. Nếu tôi là một du khách đang có ý định du lịch tại Việt Nam, chưa rõ sẽ đặt tour hay tự túc, chắc tôi cũng sớm chùn chân và mất thiện cảm khi đọc những thông tin rối rắm này. Đại sứ quán ở mỗi nước lại có mức thu thị thực khác nhau, tính theo đồng bản tệ nước ấy. Các trang web cung cấp dịch vụ làm thủ tục tại Việt Nam thì tràn ngập đối tượng lừa đảo khiến những trang web uy tín phải cảnh báo: ngay cả tên miền gov.vn cũng không chắc là cơ quan của Chính phủ Việt Nam.
Dân du lịch thường cảnh báo nhau về việc sử dụng sai thuật ngữ visa-on-arrival (thị thực lấy tại cửa khẩu) ở Việt Nam. Không giống các nước khác như Lào, Nepal chẳng hạn, visa-on-arrival được lấy ngay không đòi hỏi thêm gì, còn ta thì vẫn yêu cầu xuất trình thư mời/ công văn nhập cảnh. Nhiều người khuyên nhau đừng đi du lịch Việt Nam, thậm chí đừng bay quá cảnh (transit), mà chuyển hướng sang Thái Lan, Malaysia, rồi gần đây là Myanmar do thủ tục dễ dàng hơn rất nhiều. Đúng sai chưa rõ, chỉ biết cách làm trên đã khiến Việt Nam mất cả uy tín, cả nguồn thu.
Tôi từng trực tiếp trải nghiệm tại khu vực quản lý xuất nhập cảnh. Anh nhân viên xuất nhập cảnh đưa hộ chiếu của tôi vào máy quét dữ liệu. Một phút, hai phút rồi năm phút mà dòng dữ liệu trên máy tính vẫn báo “loading” (đang hoạt động). Hai anh em bốn mắt nhìn nhau im lặng. Tôi nhìn sang một người nước ngoài đứng ở quầy bên cạnh mang hộ chiếu Mỹ, có visa dán trong, lại thấy quét càng lâu hơn, cột dữ liệu mới được bằng một nửa của tôi. Hành khách kéo đến đợi ngày càng đông, cả chục quầy kiểm tra hộ chiếu hoạt động cùng lúc mà không giải quyết được “ùn tắc”. Hàng người đứng đợi ở quầy xin visa-on-arrival cũng dài lê thê không kém. Ai nấy đều mệt mỏi.
Khi nhập cảnh vào Australia, tôi lại gặp phải một tình huống khác. Hàng người, trong đó có tôi đứng đợi đóng dấu hộ chiếu, hầu hết là người châu Á. Tôi nhận ra họ là người Việt Nam, Đài Loan và Hàn Quốc vì tất cả đều tóc đen, mắt đen, da vàng, mặt mũi na ná nhau và tay đều cầm một quyển hộ chiếu màu xanh lá cây. Bỗng nhân viên xuất nhập cảnh Australia bước tới nói to: “Ai có hộ chiếu điện tử (e-passport) thì đứng sang một bên để sắp xếp ưu tiên đi trước”. Chưa đầy năm giây, trong hàng chỉ còn trơ lại toàn người Việt. E-passport được gắn thêm con chip điện tử chứa các dữ liệu như họ tên, ngày sinh, số hộ chiếu để tăng cường bảo mật, hạn chế hộ chiếu giả và tăng hiệu quả kiểm soát, giảm thời gian xử lý hộ chiếu ở cửa khẩu.
Sri Lanka là một nước không phát triển hơn ta là mấy, hơn 10 năm trước đất nước họ vẫn còn bị nội chiến tàn phá nặng nề, vậy mà nay họ đã có hệ thống cấp thị thực điện tử trực tuyến (visa online) cực kỳ tiện lợi. Thậm chí Myanmar nay cũng đã dùng e-visa. Khách du lịch bớt phiền hà, nhà nước thu được tiền chính xác, minh bạch và nhanh chóng.
Tôi nhớ ra, đề án "Sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử Việt Nam" đã được phê duyệt từ cách đây 5 năm nhưng giờ vẫn chưa được đưa vào sử dụng.
Cải cách thủ tục hành chính nhất thiết phải đi kèm việc số hóa thông tin, không chỉ hộ chiếu, thị thực mà mở rộng ra là tất cả thủ tục giấy tờ khác. Nhưng trước mắt, để khuyến khích du lịch theo tôi nên bắt đầu từ e-visa, e-passport. Một hệ thống như vậy có hiệu quả tích cực với du lịch hơn nhiều lần một khu làng văn hóa mấy nghìn tỷ một năm chỉ tổ chức vài hoạt động.
Đặng Thái Hoàng