Văn phòng Chính phủ hôm 31/7 ra thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 năm 2021 về cơ chế thu, quản lý học phí công lập.
Theo đó, sau khi nghe nghe báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và ý kiến của cơ quan liên quan, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 81.
"Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại nghị định số 81 và không tăng học phí năm học 2023-2024", trích văn bản.
Bộ Giáo dục và Đào tạo phải hoàn thành việc này và trình Chính phủ trước ngày 8/8. Ngoài ra, Bộ nghiên cứu để đề xuất nghị định mới thay thế nghị định 81, báo cáo thủ tướng trong tháng 12.
Cách đây gần ba tháng, khi họp với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo về nội dung này, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ đánh giá rõ tác động xã hội, đặc biệt là ảnh hưởng đến nhóm yếu thế, thậm chí không thể đi học do học phí tăng để có phương án hỗ trợ cụ thể. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục nghiên cứu chính sách học phí toàn diện, bài bản, đảm bảo mục tiêu xã hội hóa và phổ cập giáo dục phổ thông.
Dù vậy, trong đề án tuyển sinh 2023, nhiều trường đại học đã đưa ra mức học phí tăng mạnh, trên cơ sở nghị định 81. Theo nghị định này, từ năm học tới, trần học phí (mức tối đa được thu) đối với các trường đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên (chưa tự chủ) là 1,41-2,76 triệu đồng một tháng, gấp hai lần mức thu cũ (0,98-1,43 triệu đồng).
Những trường đã tự chủ, tùy mức độ, được thu tối đa gấp 2-2,5 lần mức trên (2,8-6,9 triệu đồng một tháng). Với chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng, các đại học được tự xác định học phí.
Trong khi đó, ở bậc phổ thông, HĐND nhiều tỉnh, thành hồi tháng 7 cũng thông qua học phí năm học 2023-2024, dao động 50.000-650.000 đồng một học sinh một tháng. So với năm trước, phụ huynh đóng cao hơn 2-5 lần.