Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 02 về việc tổ chức tín dụng cơ cấu lại hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn.
Thông tư 02 sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 6 này, kéo theo chính sách cơ cấu nợ ngân hàng đang áp dụng cho khách vay sẽ phải dừng trong khoảng 1 tháng nữa.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đánh giá kinh tế vẫn đối mặt nhiều khó khăn, dự báo kéo dài trong năm nay. Chủ trương của Quốc hội và Chính phủ là vẫn tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do vậy, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư 02, theo Ngân hàng Nhà nước là cần thiết và góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay.
Việc kéo dài chính sách này không ảnh hưởng đến cơ chế trích lập dự phòng rủi ro của các nhà băng song sẽ giúp tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng chưa gia tăng mạnh ngay.
Trước đó, tại họp báo gần đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói chính sách nào cũng có hai mặt. Việc kéo dài thời hạn cơ cấu nợ dự kiến áp dụng tới hết năm nay, sau đó sẽ được đánh giá tác động để có ứng xử phù hợp.
Theo Thông tư 02, các khách hàng vay đủ điều kiện sẽ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ (không nhảy nhóm nợ). Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quyền xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu nợ. Thời gian cơ cấu không vượt quá 12 tháng từ ngày khoản nợ đến hạn.
Sau khi cơ cấu, các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro theo lộ trình. Trong đó, dự phòng phải trích bổ sung với các khoản nợ cơ cấu lại được thực hiện theo hai giai đoạn, tối thiểu 50% vào ngày 31/12/2023 và trích đủ 100% cuối năm 2024.
Quỳnh Trang