Ngày 3/3, ông Hầu A Lềnh - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho hay đến nay 63 tỉnh, thành đã tổ chức xong hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, thống nhất giới thiệu 1.076 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, cả ở trung ương và địa phương.
Số ứng cử viên này đạt tỷ lệ bình quân 2,15 lần so với tổng số đại biểu Quốc hội khóa mới (500 người).
Theo nghị quyết số 1185 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV, số lượng đại biểu ở các cơ quan Trung ương là 207 (chiếm 41,4% tổng số đại biểu Quốc hội).
Trong 207 đại biểu này, phân bổ cho các cơ quan Đảng 10, cơ quan Chủ tịch nước 3.
Các cơ quan của Quốc hội, trong đó có Ban công tác đại biểu, Ban Dân nguyện và Văn phòng Quốc hội, được dự kiến 133 đại biểu. Đây sẽ là các đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương.
Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ, bao gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Công an, là 15.
Ở khối lực lượng vũ trang, cơ quan Bộ Quốc phòng, các quân khu, quân chủng và lĩnh vực trọng yếu được phân bổ 12 đại biểu; Công an 2 đại biểu.
Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước mỗi nơi một đại biểu. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên 29 đại biểu.
Dự kiến số lượng đại biểu Quốc hội ở địa phương là 293 (58,6%). Trong đó, lãnh đạo chủ chốt các tỉnh, thành là 63 (12,6%). Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại địa phương 67 (TP Hà Nội, TP HCM, Nghệ An và Thanh Hóa, mỗi địa phương có hai đại biểu chuyên trách)...
Ngoài các cơ cấu nêu trên, Thường vụ Quốc hội cũng dự kiến cơ cấu kết hợp - một người ứng cử có thể nhiều hơn một cơ cấu, như đại biểu là Ủy viên Trung ương Đảng khoảng 95 người, trong đó có 12 đến 14 vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng.
Đại biểu là người ngoài Đảng từ 25 đến 50; đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) khoảng 50; đại biểu tái cử khoảng 160 (32%)...
Số lượng được bầu ở mỗi tỉnh, thành phân bổ theo nguyên tắc mỗi nơi ít nhất 3 đại biểu cư trú, làm việc tại địa phương, còn lại tính theo số dân và đặc điểm của các tỉnh, thành.
Tiếp sau nghị quyết 1185, Thường vụ Quốc hội đã làm việc, thống nhất với các tổ chức liên quan và ban hành nghị quyết 1193, trong đó dự kiến số lượng đại biểu Quốc hội khóa XV vẫn gồm 207 đại biểu ở Trung ương, 293 đại biểu ở địa phương.
Cơ bản nhất trí với nghị quyết 1193, tuy nhiên, Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng tỷ lệ đại biểu là người ngoài Đảng so với dự kiến; quan tâm đến cơ cấu đại diện cho khối doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học...
Theo ông Hầu A Lềnh, hiện nay, các cơ quan đang thực hiện bước giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội với cử tri nơi công tác, sau đó sẽ giới thiệu với tập thể lãnh đạo mở rộng để xin ý kiến.
Ngoài những người được các tổ chức giới thiệu, công dân trên 21 tuổi đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội. "Người tự ứng cử phải viết đơn, kèm hồ sơ có bản kê khai tài sản, thu nhập gửi đến Ủy ban bầu cử các cấp; chậm nhất là 17h ngày 14/3", ông Lềnh nói.
Hội nghị hiệp thương lần thứ hai sẽ diễn ra ngày 19/3, trước bầu cử 65 ngày. Căn cứ vào tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội và cơ cấu, thành phần, số lượng theo quy định, hội nghị lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội và gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú.
Căn cứ vào kết quả hiệp thương lần thứ hai, chậm nhất 55 ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ hai cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội.
Hội nghị hiệp thương lần thứ ba (dự kiến 18/4, trước bầu cử 35 ngày) sẽ lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội.
"Hội đồng bầu cử quốc gia sau đó căn cứ vào kết quả thành lập các đơn vị bầu cử ở địa phương phân công đại biểu về các đơn vị", ông Hầu A Lềnh nói.
Ngày 23/5, công dân từ 18 tuổi trên cả nước sẽ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.