Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến các cơ quan về dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, trước khi trình Chính phủ.
Thông tư dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 cùng thời điểm luật sửa đổi, quy định chi tiết về người thụ hưởng, điều kiện và tỷ lệ hưởng lương hưu.
Lương hưu hàng tháng của lao động nữ làm việc trong điều kiện bình thường, đủ tuổi nghỉ hưu được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, tương ứng 15 năm tham gia. Mỗi năm đóng sau đó được cộng thêm 2% cho đến khi tỷ lệ hưởng tối đa bằng 75%, tương ứng 30 năm tham gia.
Người suy giảm khả năng lao động nghỉ hưu trước tuổi mỗi năm khấu trừ 2% tỷ lệ hưởng. Trường hợp nghỉ trước tuổi dưới 6 tháng thì không bị trừ, từ đủ 6 tháng đến dưới 12 tháng bị trừ 1%.
Ví dụ, bà Lan 55 tuổi làm việc trong điều kiện bình thường, bị suy giảm khả năng lao động 61%. Bà Lan đóng BHXH bắt buộc 32 năm 4 tháng và nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 1/10/2025. Tỷ lệ hưởng lương hưu của bà Lan 15 năm đầu tính bằng 45%. Từ năm thứ 16 đến năm thứ 32 là 17 năm tham gia BHXH, bình quân mỗi năm tích lũy thêm 2%, tính thêm 34%. 4 tháng còn lại được tính là nửa năm, thêm 1%.
Tổng tỷ lệ hưởng của bà Lan là 45% + 34% + 1% = 80%, song chỉ được hưởng lương hưu tối đa 75%. Bà Lan nghỉ hưu đầu tháng 10/2025, tức nghỉ trước tuổi quy định một năm 8 tháng nên bị trừ 3% mức hưởng.
Như vậy, tỷ lệ hưởng lương hưu cho 32 năm 4 tháng tham gia BHXH bắt buộc của bà Lan là 72%. Do bà đóng BHXH vượt trần 2 năm 4 tháng nên ngoài lương hưu sẽ được hưởng trợ cấp một lần là 2,5 năm nhân 0,5 lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
Mức hưởng với lao động nam bằng 45% bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tương ứng 20 năm tham gia. Mỗi năm đóng sau đó được cộng 2% cho đến khi đạt tỷ lệ hưởng tối đa 75%, tương ứng 35 năm tham gia.
Trường hợp lao động nam tham gia từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, lương hưu hàng tháng bằng 40% bình quân tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH, tương ứng 15 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.
Ví dụ, ông Bình 61 tuổi 3 tháng làm việc trong điều kiện bình thường, có 18 năm 4 tháng đóng BHXH bắt buộc và nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 1/9/2025.
Tỷ lệ hưởng lương hưu của ông Bình được tính như sau: 15 năm đầu mức hưởng bằng 40%. Từ năm thứ 16 đến năm thứ 18 là 3 năm tham gia BHXH, ông được cộng bình quân mỗi năm 1%, tổng cộng thêm 3%. 4 tháng còn lại được tính là nửa năm, ông Bình được hưởng thêm 0,5%.
Tổng tỷ lệ hưởng BHXH cho 18 năm 4 tháng tham gia BHXH của ông Bình là 43,5%.
Trường hợp lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu, tham gia BHXH theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhưng dưới 15 năm thì mỗi năm đóng được tính 2,25% bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
Ví dụ, ông Cần 62 tuổi, có 15 năm tham gia BHXH gồm 10 năm ở Việt Nam và 5 năm đóng ở Hàn Quốc. Ông đề nghị hưởng lương hưu từ ngày 1/3/2029. Mức hưởng hưu trí cho 10 năm đóng ở Việt Nam của ông là 22,5%, riêng thời gian đóng ở Hàn Quốc thực hiện theo quy định của nước này.
Dự thảo thông tư cũng quy định lao động làm việc trong điều kiện bình thường đã đủ tuổi nghỉ hưu tham gia BHXH bắt buộc từ đủ 14 năm 6 tháng đến dưới 15 năm, còn thiếu tối đa 6 tháng thì được đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu để hưởng lương hưu. Mức đóng hàng tháng bằng tổng mức đóng của lao động và chủ sử dụng trước khi nghỉ việc, tức 22% vào Quỹ hưu trí và tử tuất.
Thời điểm đóng tiếp một lần sớm nhất là tháng trước liền kề tháng mà lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Luật sửa đổi quy định nếu lao động chấm dứt đóng BHXH bắt buộc mà thời gian còn thiếu trên 6 tháng thì có quyền tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 29/6, có hiệu lực từ 1/7/2025 với nhiều thay đổi lớn trong giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, rút ngắn thời gian đóng từ 20 xuống 15 năm để hưởng lương hưu, điều chỉnh tỷ lệ lương hưu của nam giới đóng dưới 20 năm...
Hồng Chiêu