![]() |
Cử tri Gia Lai thực hiện quyền bầu cử. Ảnh: Tiền Phong. |
Ông Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam đánh giá, cuộc bầu cử đã diễn ra tốt đẹp, cử tri đi bầu đúng luật, nghiêm túc, ý thức trách nhiệm cao trong việc lựa chọn các ứng viên.
"Trước ngày bầu cử có kế hoạch đề phòng, có thể một số nơi sẽ có những phần tử xấu cản trở, nhưng cuối cùng không có diễn biến xấu", ông Duyệt nói. Tuy nhiên, ông cho rằng cuộc bầu cử có thực sự chất lượng hay không thì phải đợi đến khi kết quả được công bố.
Thành phố Hà Nội có tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt 99,76%, TP HCM 99,86%, Hải Phòng 99,53%, Đà Nẵng 99,30%, Cần Thơ 99,20, các tỉnh Tuyên Quang 99,83%, Lai Châu 99,95%, Bắc Kạn 99,93%, Quảng Nam 99,99%, Bình Thuận 99,89%, Đăk Lăk 99,47%, Đăk Nông 99,55%, Lâm Đồng 99,93%, Cà Mau 99,36%... Trong đó tỉnh Vĩnh Long có 100% số cử tri đi bầu. 6 địa phương do có mưa lớn nên ảnh hưởng đến việc tổng hợp số liệu, chưa có báo cáo. |
Hiện, các tổ bầu cử khẩn trương hoàn tất việc kiểm phiếu và lập biên bản kết quả kiểm phiếu cho ban bầu cử.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và người cao tuổi nhất của địa bàn dân cư là những công dân đầu tiên thực hiện quyền bỏ phiếu tại các đơn vị bầu cử. Tại tỉnh Hà Tây, có 112 cụ từ 90 tuổi trở lên, trong đó có 12 cụ trên 100 tuổi trực tiếp đến các tổ bầu cử bỏ phiếu. Tỉnh Quảng Ninh cũng có 452 cụ trên 90 tuổi trực tiếp đi bầu.
Để thuận tiện cho cử tri, một số tổ bầu cử tại Cà Mau đã bỏ phiếu sớm, từ 5h sáng. Với những bệnh nhân hoặc người tàn tật không đi lại được, các thành viên tổ bầu cử đã mang hòm phiếu phụ tới tận giường bệnh hoặc tận nhà, nhằm đảm bảo tất cả công dân đều được thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng thư ký Hội đồng bầu cử, Bùi Ngọc Thanh cũng đánh giá cuộc bầu cử đã thành công. "Lần này ý thức người dân rất cao. Việc bầu hộ đã được hạn chế tối đa", ông nói.
Theo quy định, sau ngày 27/5, Hội đồng bầu cử trung ương sẽ tổng hợp biên bản xác định kết quả bầu cử ở địa phương. Trường hợp phải bầu cử lại hoặc bầu cử thêm thì sau ngày 9/6, Hội đồng bầu cử trung ương sẽ công bố kết quả bầu cử và danh sách người trúng cử đại biểu Quốc hội.
Luật bầu cử quy định rõ, trong số đại biểu mà đơn vị bầu cử được bầu, người trúng cử phải có hai điều kiện: có quá nửa số phiếu hợp lệ và được nhiều phiếu hơn. Trường hợp nhiều người có số phiếu bằng nhau thì người nhiều tuổi hơn sẽ trúng cử.
Chậm nhất là ngày 20/7 thì phải tiến hành kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 12.
Trong 875 ứng cử viên, có 290 người nữ, 149 người ngoài Đảng. Có 30 ứng cử viên tự do, tập trung nhiều nhất tại TP HCM (7), Hà Nội (6). Đăk Lăk, Hà Tây, Hà Tĩnh mỗi tỉnh có 2 ứng cử viên tự do. Người trẻ nhất ứng cử là Nguyễn Thị Phương Thảo, 24 tuổi, nhân viên Trung tâm điều dưỡng người có công thuộc Sở Lao động Thái Bình. Ứng cử viên cao tuổi nhất là Giáo phẩm Hòa thượng, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Thanh Tứ (tức Trần Văn Long), sinh năm 1927. Nguồn Hội đồng bầu cử trung ương |
Hồng Khánh