Đó là một lễ hội truyền thống của người Hamar, bộ tộc ở đất nước Ethiopia mà tôi may mắn được xem, trong chuyến đi một tháng năm 2019. Tộc người Hamar hay còn gọi là Hamer sinh sống chủ yếu ở thung lũng sông Omo, phía tây nam đất nước. Họ có đời sống du mục nên văn hóa đặt cao giá trị đối với gia súc.
Vì thế lễ hội nhảy bò hay lễ hội trưởng thành rất được họ coi trọng. Một năm, lễ hội diễn ra vài lần và họ thường chọn địa điểm vắng vẻ để tổ chức nên ít du khách được chứng kiến. Ngay khi biết tin lễ hội sắp diễn ra bên một bờ sông, tôi đã tìm thuê một người bản địa dẫn đường và chẳng ai trong chúng tôi biết vị trí chính xác. Gần tới ngôi làng của người Hamar, chúng tôi bỏ xe tại bờ sông và đi bộ gần 10 km mới tìm thấy vị trí chính xác của lễ hội.
Người địa phương cho tôi biết, lễ hội nhảy bò được diễn ra trước đám cưới và do nhà trai tổ chức, để chứng tỏ rằng chú rể đã chuyển từ một cậu bé thành người trưởng thành. Sau khi nhảy thành công, người này đã sẵn sàng cho cuộc sống mới với đầy đủ sức mạnh và uy lực để gánh vác gia đình với 1-5 người vợ trong tương lai.
Trong thời gian chờ chú rể và các phù rể trang điểm với thứ bột nhiều sắc màu, các cô gái quây quần nhảy múa. Các cô gái trẻ được đeo các vòng chuông ở chân, cầm những chiếc kèn đồng vừa chạy vòng quanh vừa thổi. Những người xung quanh hát vang những bài ca tươi vui.
Các phù rể sẽ cầm những chiếc roi, vụt rất mạnh vào người các cô gái. Theo quan niệm của họ, ai được vụt đau nhất và nhiều nhất, làm cả vùng lưng tóe máu lằn lên những vết sẹo chằng chịt là người trung thành và tận tuy với họ hàng. Sau này khi họ gặp khó khăn trong cuộc sống, các chàng trai sẽ nhớ và giúp đỡ lại.
Sau màn nhảy mùa, họ bắt đầu di chuyển từ bờ sông vào sâu hơn vào trong rừng để đến phần chính là nhảy bò. Một đàn bò gồm 5 con được giữ đứng sát nhau để tạo thành hàng rào cho những chàng trai khỏa thân nhảy lên. Tôi được thấy những chú rể chứng tỏ được sức mạnh của mình khi nhảy trên lưng những con bò nhưng cũng có người ngã đau đớn. Mỗi người được nhảy lại khoảng 4 lần nếu thất bại. Sau nghi lễ này, chàng trai thành công được kết hôn, sở hữu gia súc và có con cái.
Người Hamar trồng lúa, đậu và bí ngô. Ngoài ra họ biết chăn gia súc từ lúc lên 8 tuổi. Nam giới trong bộ tộc có nhiệm vụ bảo vệ mùa màng và đàn gia súc trước sự tấn công của bộ tộc khác. Ở đây, phụ nữ thường trang điểm tóc bằng cách tết từng sợi nhỏ và đắp đất sét lên. Họ cũng bôi một lớp mỡ trộn đất sét lên người để da bóng khỏe, trống côn trùng.
Người Hamar đang dần tiếp cận với nền văn minh, thông qua cách mặc trang phục của họ. Tuy nhiên, họ vẫn duy trì lối sống du mục và bảo tồn những nghi lễ truyền thống. Trong chuyến đi Ethiopia, tôi cũng thăm bộ lạc người thiểu số khác như Mursi, Masaai, Karo... Họ sống ở nơi biệt lập, heo hút, cách xa với thế giới hiện đại khiến tôi biết rằng trên thế giới này, cuộc sống của mỗi vùng đất lại đa dạng, kỳ thú đến vậy.
Nguyễn Quỳnh Anh