Dự kiến trở về Việt Nam ngày 28/11 nhưng chị Nguyễn Thùy Vân cùng nhóm bạn vẫn đang kẹt lại Bali do sân bay quốc tế tiếp tục dừng hoạt động. Theo kế hoạch, nhóm của chị Vân sẽ đến sân bay buổi sáng để làm thủ tục check-in. Nhưng khung cảnh trước mặt chị là khách nằm la liệt. Sân bay báo tiếp tục đóng cửa đến ít nhất sáng 29/11, nhóm chị Vân đành ngậm ngùi quay về.
Quay lại khách sạn ở thành phố Denpasar, chị Vân cho biết mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường. "Núi lửa cách khá xa chỗ mình đang ở nên mọi người đều an toàn. Nếu tình hình không khá hơn nhóm sẽ phải di chuyển bằng đường bộ đến sân bay gần nhất để bay về Việt Nam", chị Vân nói.
Hiện chị Vân vẫn chưa nhận được thông báo lịch bay trở lại hay hỗ trợ các khoản phí do đổi ngày, giờ... nhưng việc phát sinh các chi phí cá nhân như đi lại, ăn, ngủ là điều thấy rõ.
Cũng có mặt tại Bali khi núi lửa Agung đang hoạt động, Linh Sam, đến từ TP HCM cũng cập nhật liên tục thông tin về tình hình hoạt động của sân bay. Anh cho biết 7h sáng mai nếu sân bay quốc tế ở Bali không hoạt động, anh cũng sẽ phải đi đường bộ để đến sân bay gần nhất về Việt Nam.
"Đổi vé và ngày giờ thì thủ tục rất dễ. Nhưng phải đi đường bộ thì mất cả ngày mới đến được sân bay khác. Nếu phải đổi tuyến để tiếp tục hành trình thì ảnh hưởng rất nhiều, trong đó có chi phí", Linh Sam chia sẻ.
An Lương, ở Ubud, cách núi lửa hoạt động khoảng 50 km cho biết mọi hoạt động ở đây diễn ra bình thường. Cô đi cùng em, đến Bali ngày 25/11 và dự định du lịch ở đây hai tuần. "Mấy hôm nay mình vẫn đi chơi như kế hoạch. Sáng mai cả hai sẽ leo núi Batur, vì có thể quan sát thấy núi lửa đang phun. Mình đã hỏi kỹ người dân địa phương trước khi đặt tour này", An Lương nói.
Dù không có mặt ở Bali nhưng thông tin về núi lửa Agung khiến Phú Nguyễn, TP HCM nhớ lại thời gian này cách đây mấy năm, khi anh cũng bị kẹt lại ở Bali gần một tuần vì núi lửa.
"Hồi đó mình giống cả chục nghìn du khách bị mỏi mệt do cuốn vào vòng quanh của tâm lý đám đông: Hàng ngày check out khách sạn, ra sân bay, xếp hàng, chầu chực, chờ đợi thông tin, chờ xác nhận núi lửa có bay được không, vé có đổi được không... Rồi cuối ngày, nhận được thông báo sẽ không có chuyến bay nào và lủi thủi về lại khách sạn. Việc đó cứ lặp đi lặp lại", anh nhớ lại việc từng thấy không ít du khách bật khóc ngoài sân bay vì tuyệt vọng.
Giờ đây, anh thấy khi rơi vào tình huống này cần bình tĩnh hơn để tránh kiệt sức. "Nếu chọn lại, mình sẽ đặt phòng khách sạn thêm vài đêm tới khi các chuyến bay được chính thức mở lại hoặc tìm nơi lưu trú phù hợp với ngân sách. Rồi lên lịch đi thăm thú thêm hoặc làm những việc chưa làm được", kinh nghiệm anh rút ra được.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Indonesia, 40 người Việt, thuộc 11 nhóm khác nhau, đang tìm cách rời Bali. Mọi người có thể nhận hỗ trợ thông qua đường dây nóng +62811161025.
Để rời Bali, người Việt có thể đi xe buýt từ sân bay Ngurah Rai đến sân bay Juanda, Surabaya, với giá thông báo là 300.000 Rupiah (hơn 500.000 đồng), sau đó từ đây bay đến các nơi khác. Ngoài ra, họ có thể liên lạc với Pak Nyoman, hướng dẫn viên du lịch người địa phương, qua số +6285792640918, +6281338643014. Thông tin tại sân bay có Trung tâm quản lý khủng hoảng núi lửa Gunung Agung 081321100319, đường dây nóng 03619351011, số lẻ 5055 hoặc Thông tin sân bay 172.
Về phía chính quyền địa phương, Bali đang hỗ trợ miễn phí khách sạn một đêm cho du khách bị kẹt tại đây.
Trước đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia cũng đã phát đi cảnh báo đối với du khách Việt Nam có ý định tới Bali.