Ngày 27/12, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã gửi công văn đề nghị Bộ Công an điều tra dấu hiệu đưa người Việt Nam trái phép ra nước ngoài, trong vụ việc 152 người Việt biến mất khi du lịch Đài Loan.
Bộ này cũng chỉ đạo Tổng cục Du lịch làm việc với Cục An ninh đối ngoại, Bộ Công an, cơ quan chức năng Đài Loan, Sở Du lịch Hà Nội, Sở Du lịch TP HCM và Công an Hà Nội để xác định trách nhiệm và sai phạm của cá nhân tổ chức có liên quan. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Văn hóa xử lý nghiêm vụ việc, báo cáo Chính phủ trong vòng 7 ngày.
Phân tích ở góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết để có căn cứ xử lý hành vi đưa người lao động trái phép sang Đài Loan, cơ quan chức năng cần điều tra có hay không việc cấu kết giữa những người trong nước và nước ngoài.
Trường hợp cơ quan điều tra chứng minh được người nào có hành vi đưa người xuất cảnh trái phép, người đó có thể bị khởi tố vì phạm tội có tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép theo Điều 349 Bộ luật hình sự 2015. Người phạm tội có thể bị phạt tù 5-15 năm.
Với khách du lịch bỏ trốn, họ sẽ bị xử lý theo pháp luật Đài Loan về vi phạm nhập cảnh như trục xuất, cấm nhập cảnh. Trường hợp khách bỏ trốn nếu phạm tội còn phải chịu trách nhiệm hình sự theo luật pháp nước sở tại.
Đồng tình với quan điểm của luật sư Thơm, một chuyên gia luật ở Hà Nội phân tích thêm, nếu cơ quan điều tra Việt Nam xác định những người "biến mất" có ý thức muốn xuất cảnh và cư trú trái pháp luật thì có thể phạt hành chính 3-5 triệu đồng theo Nghị định 167/2013.
Nếu người bỏ trốn đã bị phạt tiền vì hành vi tương tự, họ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 347 Bộ luật hình sự 2015 về tội Vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh đối với hành vi xuất cảnh trái phép. Chế tài tội này là phạt tiền 5-50 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Về phía ETholiday, đơn vị chịu trách nhiệm đoàn khách trên, Công ty này có thể bị phạt 5.000 - 8.000 tân đài tệ (3,7 - 6 triệu đồng) mỗi du khách để đưa những khách bỏ trốn này về Việt Nam.
Trước đó, 153 khách Việt theo bốn đoàn nhập cảnh vào Đài Loan ngày 21 và 23/12. Hai ngày sau, 152 người "biến mất". Đến chiều 27/12, cảnh sát Đài Loan đã bắt được 6 người; 6 người ra trình diện; 3 người tự ý ra sân bay về nước. Trong số những người Việt bị bắt đầu tiên có hai nam giới (30 và 38 tuổi) cùng một phụ nữ 32 tuổi đang ở nhà người quen ở Gia Nghĩa. Hiện còn 137 người chưa rõ tung tích.
Cơ quan Di trú Đài Loan (NIA) cho biết, toàn bộ 152 người bỏ trốn này sau khi tìm thấy sẽ bị trục xuất về Việt Nam vì vi phạm luật di trú và bị cấm nhập cảnh vào Đài Loan trong một thời gian nhất định.
Vụ 152 người cùng biến mất ở Cao Hùng được xem là vụ mất tích lớn nhất trong vòng ba năm qua. Theo cơ quan quản lý du lịch Đài Loan, kể từ khi chính sách visa Quan Hồng được triển khai tháng 11/2015 đã có 566 du khách "mất tích" trong đó có 409 người đến từ Việt Nam.
Thanh tra Bộ Văn hóa, Tổng cục Du lịch phối hợp với Sở Du lịch TP HCM và Hà Nội đang kiểm tra các doanh nghiệp liên quan trong vụ việc này. Trước đó, Công ty TNHH Thương mại Du lịch Kỳ nghỉ quốc tế bị tạm giữ giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế để phục vụ điều tra. Đại diện công ty này cho biết đơn vị đã cung cấp dịch vụ visa cho 153 khách thuộc các đoàn của công ty TNHH Twin Bright và công ty TNHH Thương mại và Du lịch Golden Travel, đều có trụ sở ở Hà Nội.