Phố Tây ở Sài Gòn là địa điểm nổi tiếng náo nhiệt, tập trung một lượng lớn du khách nước ngoài. Hàng loạt khách sạn, hostel, quán bar, pub cũng như hàng quán vỉa hè... hoạt động ngày đêm để phục vụ nhu cầu của khách. Do đặc thù riêng phục vụ chủ yếu người nước ngoài và du khách, khu vực này đang được xem xét cấm xe theo giờ, dần biến thành phố đi bộ.
Nhiều khách tán thành việc cấm xe
Trong một khảo sát của VnExpress, nhiều ý kiến tán thành việc cấm xe, biến khu phố Tây thành phố đi bộ. "Chúng tôi thấy nguy hiểm khi đi dạo trong khu vực này. Không có vỉa hè, nên chúng tôi phải tràn xuống lòng đường mà xe cộ lại quá đông, nhiều lần tôi còn suýt bị tông phải", anh Jordan, 29 tuổi, quốc tịch Mỹ cho biết.
Đồng quan điểm về việc nên cấm xe di chuyển trong khu phố Tây, anh Valentin Martinet, người Pháp cũng cho rằng như vậy sẽ an toàn hơn cho du khách. "Khu này đường nhỏ, xe lại chạy rất lung tung. Vào ngày lễ, thậm chí xe kẹt cứng giữa dòng người đông nghẹt".
Cô Mai, kinh doanh bánh mì kebab bên trong đường Bùi Viện, quận 1, cũng cho biết nhiều hộ dân ở đây cũng mong muốn khu vực này cấm bớt xe từ lâu. "Tôi bán hàng ở đây đã hai năm, xe cộ lưu thông rất lộn xộn. Tôi nghĩ nếu cấm xe không ảnh hưởng đến việc kinh doanh của mình, thay vào đó khách đi trên đường sẽ yên tâm hơn. Chưa kể do khu này nhiều hẻm, phức tạp, khách cũng dễ bị các thành phần xấu giật đồ rồi rồ ga chạy mất".
"Tuy nhiên, nếu cấm xe thì nên cấm cả hai đầu, và đừng bắt chúng tôi phải lùi vào vỉa hè 1 mét để chúng tôi còn có thể kinh doanh như thường lệ. Dân ở đây vẫn sẵn lòng gửi xe bên ngoài nếu quy định này được áp dụng", anh Hùng ngồi kế bên tiếp lời.
Có thể phát sinh một số bất cập
Mặc dù tán thành việc biến phố Tây thành phố đi bộ, một số du khách cũng bày tỏ sự lo lắng nhiều hộ dân có thể lợi dụng điều này để đẩy giá gửi xe tăng vọt. Chị Hải Du, 26 tuổi, thường xuyên ra khu phố Tây để chơi với bạn bè vào cuối tuần, cho biết giá gửi xe trong khu này dường như không niêm yết.
"Họ muốn lấy giá bao nhiêu là lấy, có lần tôi gửi xe vào dịp năm mới mất 20.000 đồng một chiếc, trong khi ngày thường cao lắm là 10.000 đồng. Tôi còn nghe người kế bên bị đòi 50.000 đồng", chị Du chia sẻ. Do đi nhóm đông 5-6 xe, số tiền gửi xe cũng lên hơn trăm, chị Du cự cãi với người gửi, dọa báo với chính quyền thì người này mới giảm xuống 15.000 đồng một chiếc.
Anh Trần Long, 29 tuổi, làm marketing nhìn nhận việc cấm xe nên làm vì nhiều nước trên thế giới đã áp dụng từ lâu. "Tuy nhiên, cần phải xử lý được chỗ gửi xe, với giá niêm yết, cho số điện thoại chính quyền để người dân phản ánh nếu có chặt chém. Nếu không sẽ phát sinh những điều khó chịu, dễ mất thiện cảm với khách, đặc biệt là khách nước ngoài một đi không trở lại", anh Long góp ý.
Chị Hà, sống trong khu phố tây đường Đề Thám cho biết: "Nhà tôi không kinh doanh. Tôi nghĩ chỉ nên áp dụng cấm xe vào buổi tối, còn sáng cứ để người dân đi xe ra vào. Mặt khác, khi biến nơi này thành phố đi bộ, tôi nghĩ chính quyền nên tăng cường lực lượng an ninh bảo vệ du khách, tránh tình trạng khi mọi người đi bộ quá đông, xảy ra việc kẻ xấu trà trộn, rạch giỏ hay móc túi".
Theo kiến nghị của Bí thư Quận ủy quận 1 Huỳnh Thanh Hải, phố đi bộ có thể cấm xe từ 19h đến khuya, nhưng vướng mắc lớn nhất chưa thực hiện được là ngoài hoạt động buôn bán ngoài đường còn có các hộ dân sinh sống phía trong. Nếu thành phố đi bộ sẽ ảnh hưởng đến việc đi lại của họ.
Xem thêm: Khu phố Tây Sài Gòn có thể thành phố đi bộ
Thảo Nghi