Nguyễn Văn Đạo, một sinh viên ở Hà Nội đi cùng nhóm bạn 13 người đến vãn cảnh chùa Hương ngày 31/1 (mùng 4 Tết Đinh Dậu). Đến nơi, nhóm này được tài xế giới thiệu đò để đến Bến Yến. Khi đã yên vị trên đò, nhà đò thông báo giá 300.000 đồng một người, và nhóm 13 người được giảm còn 3,1 triệu đồng.
Nhóm khách không đồng ý nhưng lái đò vẫn cho đò rời bến, họ yêu cầu chở lại bến nhưng không được, lái đò nói phải bồi thường 300.000 đồng mỗi người. Thấy rất vô lý nên nhóm của Đạo muốn quay lại bến vì đò mới đi được hơn 100 m và sẽ bồi thường tổng số tiền là 300.000 đồng. Lái đò không đồng ý, tiếp tục đưa đò qua bờ và nói: “Cứ đến chùa Hương rồi chiều về thương lượng với nhà đò, tôi chỉ là người lái thuê thôi”.
Sau khi tham quan xong, nhóm bạn và người lái đò có trao đổi qua lại về giá cả, nhiều người xung quanh đến can thiệp nhưng vẫn không phân xử được. Nhóm của Đạo muốn trả 2 triệu đồng, người lái đò nhất định không chịu.
“Cuối cùng, có người tự xưng là em trai của người lái đò ra nói đỡ và giá cuối cùng chúng tôi phải trả là 2,5 triệu đồng, nhưng tâm lý không hề thoải mái, vì bị ép giá, còn bị dọa là không ra được khỏi đất này. Chúng tôi là sinh viên, đi hội chùa Hương lần đầu", Đạo cho hay.
Người lái đò và du khách không thỏa thuận được giá cả. Video: Văn Đạo.
Khi chia sẻ vụ việc này lên nhóm du lịch trên mạng xã hội, Đạo nhận được nhiều ý kiến từ các du khách khác. Tài khoản Hấp Cô Đơn viết: "Mình đi hôm mùng 2 Tết, vé trọn gói của nhà đò chào từ cổng là 130.000 đồng, nhưng lên đò họ đòi bồi dưỡng 500.000 đồng, năm mới mình không muốn cãi nhau nên mừng tuổi họ 200.000 đồng".
Du khách Mạnh Lâm lại có ý kiến về quán nước mía gần chùa Hương, hỏi giá trước là 10.000 đồng một cốc, lúc tính tiền là 20.000 đồng. Khi thắc mắc thì chủ quán trả lời là 10.000 đồng giá cốc nhỏ, còn đây là cốc to.
Giá vé đi đò ở chùa Hương năm nay là 50.000 đồng, vé tham quan thắng cảnh là 80.000 đồng, thông thường khách đi lẻ tự do sẽ tốn 130.000 đồng cho hai dịch vụ này.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban quản lý di tích thắng cảnh Hương Sơn cho biết: Do lễ hội đông, nhiều du khách ngại xếp hàng mua vé nên thường đặt trước với các nhà đò theo hình thức trọn gói, giá thường dao động từ 150.000 đến 200.000 đồng để có chút chi phí dịch vụ. Còn du khách tự do khi đã mua vé đò trị giá 50.000 đồng thì cần đợi đò ghép đủ 6 người sẽ chạy, nếu dưới 6 người mà vẫn muốn đi ngay thì sẽ được chủ đò yêu cầu bù thêm chi phí. Nhưng vẫn có nhiều du khách không tìm hiểu trước, không thỏa thuận rõ ràng, dẫn đến tình trạng hai bên không ưng ý nhau.
“Chúng tôi luôn tiếp nhận các phản ánh từ du khách. Trong ngày mùng 6 khai hội có hai khách bị ép giá, đã thông báo với Ban tổ chức (BTC) lễ hội, chúng tôi đã dàn xếp với hai bên, khách nhận được lời xin lỗi và trả lại chi phí dư”, ông Thanh chia sẻ.
Số điện thoại cá nhân của ông Thanh và một số thành viên BTC được công khai để tiếp nhận phản ánh về giá cả, dịch vụ, mất cắp… Khi gặp vấn đề về thuyền đò, du khách hãy nhớ hoặc chụp ảnh số đò để phản ánh.
Theo ông Thanh, các nhà đò tham gia chở khách ở chùa Hương được UBND xã Hương Sơn quản lý, họ nhận 97% chi phí trong số tiền 50.000 đồng một vé đò bán ra. Du khách tham gia lễ hội khi mua bán, trao đổi hàng hóa của bất cứ đơn vị ngoài nhà nước nào đều cần thỏa thuận kỹ càng để tránh những tranh cãi không đáng có.