Chị Châu kể, Sapa khác nhiều điểm du lịch chị từng đến, bởi không gian mờ ảo với sương mù bảng lảng buổi sáng, nắng óng ả buổi trưa và mưa bay, se lạnh vào cuối chiều. Thế nhưng, trong 2 ngày ở đây, chị hầu như không có thời gian thảnh thơi để ngắm cảnh, vì liên tục phải nói lời từ chối và đi như chạy trốn những người bán hàng lưu niệm ở đây.
"Thật mệt mỏi khi lên để ngắm cảnh, tận hưởng không khí đặc trưng của Sapa là chính mà bị làm phiền như thế. Trẻ bán đồ lưu niệm còn có chiêu tặng quà, nài nỉ khách nhận rồi sau đó sẽ bám áo, chèo kéo mua thêm bằng được mới thôi", chị Châu nói. "Vì tránh sự chèo kéo của trẻ bán hàng lưu niệm tại bãi đá cổ mà ngày 29/4, một người đàn ông đã bị ngã chúi đầu xuống... bãi phân trâu".
![]() |
Kẹt xe gần 2 km trên đoạn đèo dưới chân đường lên thác Dalata, Đà Lạt. Ảnh: M.A. |
Giá hàng rong và hàng tại các bản lân cận thị trấn Sapa, cũng là những điểm du lịch đang hấp dẫn khách, cao gấp 2-4 lần so với giá bán trong chợ Sapa. Đơn cử, một vòng đeo tai trong chợ Sapa bán 4.000-5.000 đồng, một chai nước suối không rõ thương hiệu 3.000-4.000 đồng, giá hàng rong hoặc bán tại các bản là 10.000-15.000 đồng. Một củ khoai nướng giá 10.000 đồng; 1 xâu thịt lợn nướng chừng 100 gram, giá tới 15.000 đồng...
Cũng theo chị Châu, chợ tình truyền thống Sapa không còn, thay vào đó là một số tiết mục thổi khèn, múa ô mô phỏng chợ tình để thu tiền. Du khách phải bỏ tối thiểu 5.000 đồng để xem biểu diễn trong khoảng 10 phút đồng hồ. Khách đến Sapa bằng ôtô có thể phải mất tiền chuộc biển xe khi vô tình đỗ bên cạnh nhà thờ. Vì nếu khách ra khỏi xe, đi dạo, sẽ có ngay một người xưng là công an lẳng lặng tháo biển số, tịch thu và thông báo đây là nơi cấm đỗ xe, thu tiền phạt.
Còn ở Khu du lịch Sầm Sơn, Thanh Hóa, du khách cũng bị đeo bám bởi... lực lượng người ăn xin đông đảo. Có đến cả trăm người, từ trẻ em đến người già chen nhau ngồi trước cửa đền Độc Cước, chùa Cô Tiên, Hòn Trống Mái, kiếm tiền bằng nghề này. Không ít du khách bị rạch túi, mất ví tiền và tư trang quý khác...
Giá các dịch vụ ở đây "leo thang" không kém Sapa, với tiền gửi mỗi xe máy 5.000-10.000 đồng. Giá nhiều phòng nghỉ bình dân tới khách sạn 3 sao gấp 4-5 lần giá thông thường... "Mình về thăm quê, tiện thể đi nghỉ dưỡng, chấp nhận bỏ tiền ra mua dịch vụ mà có cảm giác mất tiền không vậy. Oải quá!", anh Phạm Trung Phương, hiện sống ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, bày tỏ.
Anh Phương còn khó chịu vì tình trạng ô nhiễm của bãi biển gần khu du lịch sinh thái Sầm Sơn. Những ngày nghỉ lễ, thuyền đánh cá bị cấm neo gần bờ nên khi thuyền vào, người dân chỉ nhanh chóng chọn cá tươi, vứt cá chết, cá ươn lại bãi biển. Không khí nồng nặc mùi rác cá đang phân hủy khiến du khách không dám xuống biển tắm và phải bịt mũi khi qua đây.
![]() |
Tại cửa ngõ TP HCM, trên Xa lộ Hà Nội (đoạn gần Suối Tiên), kẹt cứng hồi 16h30 chiều 1/5, do xe từ các khu du lịch đổ về. Ảnh: M.A. |
Tại Đà Lạt, rác các loại cũng bề bộn khắp nơi. Vì quá đông khách du lịch, trong 2 ngày lễ, vòng xoay ở trung tâm thành phố bị nghẽn vào các giờ cao điểm. Còn đường lên thác Prenn, Dalata tắc gần 2 km. Xe ôtô và xe du lịch các loại kẹt cứng dưới chân thác hàng chục phút đồng hồ.
Lần đầu đến Nha Trang, chị Dương Thanh Thủy, nhân viên một ngân hàng tại TP HCM, trầm trồ trước vẻ đẹp vừa lãng mạn, vừa hiện đại của thành phố biển này. Nhưng chị Thủy buồn vì không được thưởng thức nem nướng, món đặc sản ở đây, do các quán truyền thống về món này quá tải, không đủ chỗ phục vụ khách. Chị cũng than thở vì một chiếc kem không thương hiệu bán trên bãi biển giá đến 10.000 đồng và nhiều món hàng lưu niệm "đi rong" cao hơn giá tại chợ Nha Trang 4-5 lần...
Du khách còn "oải" bởi chiều 1/5, xe du lịch ào về TP HCM khiến xa lộ Hà Nội nghẽn đường hằng chục km trong 3-4 tiếng đồng hồ, từ chân cầu Đồng Nai trở đi. Ôtô chiếm tới 4 làn đường và xe máy đan nhau, vài phút mới nhích bánh một lần. "Dịp nghỉ lễ nào về đường này cũng nghẽn nhưng tôi chưa thấy lần nào tắc kéo dài như lần này", chị Trịnh Mỹ Anh nói với vẻ mệt mỏi thể hiện rõ trên khuôn mặt.
Nhóm phóng viên