Du khách nằm dài ở sân bay Bangkok. Ảnh: AP. |
Một nữ du khách có tên Rachel Kite cho biết cô cùng nhiều người khác đã phải chờ đợi tại sân bay Suvarnabhumi Bangkok suốt 16 tiếng rồi. "Chúng tôi không nhận được bất kỳ thông báo nào từ giới chức hay nhân viên hãng hàng không Thái Lan", cô nói. "Tất cả những thông tin chúng tôi có được là nhờ Internet và các kênh tin tức".
Kite không cảm thấy cô đang gặp nguy hiểm nhưng du khách như cô ngày càng thấy căng thẳng do tiếng hò hét của những người biểu tình lớn dần trong nhà ga của phi trường khổng lồ ở Bangkok. Ai nấy đều mệt mỏi, trong khi các gia đình có trẻ em đã hết thức ăn và nước uống cho chúng.
Khi tình hình không có vẻ lắng xuống, nhiều du khách bị dồn xuống cầu thang để đi đón xe buýt tới khách sạn gần đó. Nhiều người khác giết thời gian bằng cách nằm dài trên va li, xe đẩy hành lý, thậm chí băng chuyền để ngủ.
Trong số 4.000 du khách nước ngoài, có nhiều người Mỹ chỉ mong trở về nhà để đón lễ Tạ ơn vào ngày mai. Bà Cheryl Turner, 63 tuổi, ở bang Arizona, đã nhờ hàng xóm bỏ con gà tây ra khỏi tủ lạnh để rã đông. "Con gà tây vẫn còn chờ tôi trong bồn nước", bà nói.
Giữa lúc căng thẳng, những người biểu tình mặc áo vàng thuộc Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) phát tờ rơi, giải thích hành động của họ. "Liên minh lấy làm tiếc vì những sự bất tiện về việc đóng cửa sân bay Suvarnabhumi ảnh hưởng tới các du khách tới vương quốc Thái Lan. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng biện pháp này là quan trọng để hạ bệ chính phủ phản quốc", tờ rơi chỉ rõ.
Trước đó, liên minh phân phát bánh kẹp thịt và cơm cho du khách. "Thà họ đi khỏi đây để chúng tôi có thể về nhà thì hơn", Kay Spitler, 58 tuổi, nói. Trong số du khách có một cặp tình nhân bị kẹt tại sân bay sau kỳ nghỉ trăng mật ở đảo Phuket. "Chúng tôi chỉ muốn về nhà và không bao giờ trở lại nữa", du khách người Australia Robert Grieve nói.
Hôm qua, hàng chục nghìn người kéo đến sân bay quốc tế Suvarnabhumi và xông vào bên trong. Họ cũng dựng hàng rào phong tỏa các con đường dẫn vào sân bay khiến 3.000 hành khách mắc kẹt bên trong. Toàn bộ hoạt động của trạm trung chuyển hàng không lớn của khu vực này bị tê liệt.
Vụ bao vây sân bay là một cú giáng nhằm vào ngành du lịch của Thái Lan vốn đã gặp hạn vì bất ổn chính trị và khủng hoảng tài chính toàn cầu. "Chúng tôi chưa có con số thiệt hại cụ thể, song nó rất lớn", Vijit Naranong, chủ tịch danh dự Hội đồng du lịch Thái Lan, cho hay.
Hải Ninh (theo AP, BBC)