Clara Lock, cây viết của Straits Times, đã nghe nhiều cảnh báo về "thành phố tình yêu" Paris. Từ trên chuyến tàu Eurostar cùng người bạn sống ở London, cô đã được dặn phải cảnh giác vì quanh nhà ga Gare du Nord đầy rẫy những kẻ nhăm nhe trộm điện thoại.
Giới chức Paris cũng đưa ra vô số cảnh báo về nạn móc túi trên tàu điện ngầm. Thành phố liên tục vào top 10 điểm được ghé thăm nhiều nhất thế giới nhưng điều này cũng thu hút các nhóm lừa đảo với số lượng ngày càng tăng sau đại dịch Covid-19.
Marnie Wilking, Giám đốc an ninh của Booking.com, nói những vụ lừa đảo du lịch đã tăng 900% trong 18 tháng qua, chủ yếu liên quan tới trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, ngoài đời, những kẻ lừa đảo vẫn dùng mánh khóe cũ.
Khi Clara đến nhà thờ Sacre-Coeur Basilica nổi tiếng trong lần đầu ghé thăm Paris hồi tháng 10/2023, cô đã thấy những kẻ lừa đảo dây buộc. Chúng vờ làm người thân thiện, buộc sợi dây "tình bạn" vào cổ hoặc ngón tay bạn sau đó đòi tiền. Quanh công viên hay nhà thờ, hàng dài kẻ lừa đảo đứng rình để tóm một số du khách thiếu cảnh giác.
Một trong số đó cất tiếng chào với Clara nhưng cô đủ tỉnh táo để rời đi, đút sâu tay vào túi. Nếu dính bẫy, chúng thường đòi khoảng 20 euro cho mỗi chiếc vòng.
Nhưng Clara lại rơi vào bẫy của những kẻ chơi trò "cốc và bóng" trên đường phố Paris. Đây là trò lừa cổ điển - một người đàn ông xáo ba chiếc cốc và quả bóng sẽ nằm dưới một trong ba cốc này. Nếu chọn đúng cốc có bóng, bạn thắng và được gấp đôi số tiền bỏ ra.
"Bạn biết mình sẽ chẳng thể thắng", cô nói.
Tuy nhiên, Clara đã dừng lại xem và thấy một người thắng 200 euro, tiền được trả ngay tức thì. Để tăng phần hấp dẫn, kẻ lừa đảo còn tiết lộ luôn một cốc trống trước để người chơi chọn giữa hai cốc còn lại. Cộng thêm động tác xáo có phần chậm chạp, Clara chắc mẩm mình đã thắng.
Sau cùng, cô mất 100 euro đầu tiên. Gã lừa đảo nói sẽ cho cô gỡ lại trong ván tiếp theo. Một người khác đã chọn vào cốc trống. Đám đông phía sau có vẻ ủng hộ cô, liên tục mách nước nên chọn cốc nào. Trong đầu, Clara nghĩ không thể nào mình thua tiếp, cảm giác hưng phấn như "cầm đôi át trên tay".
Trên Reddit, một người đăng bài về việc mất 200 euro khi tham gia trò "cốc và bóng" ở Paris và bị nhiều người chỉ trích là "ngu ngốc", "xứng đáng mất tiền". Đó là lý do nhiều nạn nhân không muốn tiết lộ danh tính. Họ không muốn trở nên ngớ ngẩn và các nhà tâm lý học nói những người này thường trải qua cảm xúc "xấu hổ, tức giận và bất lực".
Chồng Clara đã nhiều lần cảnh báo cô về trò dây buộc vì chính anh từng chạy trốn những kẻ lừa đảo đòi tiền hồi năm 2009. Tuy nhiên, chồng Clara chưa bao giờ kể mình cũng mất 50 euro cho trò lừa "cốc và bóng" ở Rome, Italy cùng năm đó. Khi kể về vụ lừa đảo mình trải qua trên mạng xã hội, vài người bạn của Clara cũng tiết lộ từng là nạn nhân.
Clara mất 200 euro chóng vánh và trở nên tuyệt vọng. Cô nhận ra mình đã bị cuốn vào trò lừa đảo và nài nỉ chúng trả lại tiền. Kẻ lừa đảo bỏ tiền vào túi, đám đông ủng hộ ban nãy tỏ rõ thái độ khó chịu, cô hiểu chúng là đồng bọn.
"Chúng tôi cũng chơi, chúng tôi cũng mất tiền", hai kẻ xô Clara ra, nói lớn.
Tức giận, cô hét lớn "bọn lừa đảo" giữa con đường đông đúc. Trong một khóa học võ krav maga hồi năm 2022, Clara được dạy mẹo tự vệ để tránh đối đầu trực tiếp là hãy hét lớn để thu hút chú ý. Huấn luyện viên tên Kim dạy cô những kẻ tấn công luôn tìm mục tiêu dễ bắt nạt. Nếu bạn không phải trong số đó, chúng cũng sẽ sợ hãi và chẳng muốn dính tới pháp luật.
Đám đông gồm khoảng 8 người, có vẻ là dân Đông Âu, không dễ dàng chịu thua. Hai người đàn ông và một phụ nữ vây lấy Clara, xô cô còn kẻ xáo cốc ban nãy nhổ nước bọt vào mặt cô.
"Trả tiền cho tôi", Clara hét lên nhiều lần, liên tục giật áo khoác kẻ lừa đảo. Tuy nhiên, sau này, Clara nghĩ nếu được làm lại, cô sẽ chọn cách khác. Trong tình huống đó, Clara thực sự may mắn vì 8 kẻ kia chỉ là lừa đảo, không phải côn đồ - có thể sử dụng súng hoặc dao.
Sau cùng, kẻ xáo cốc ném về phía Clara một xấp tiền, khoảng 70% số Clara bị lừa. Cô chộp lấy và tìm một siêu thị an toàn gần đó để tránh. Người bán hàng biết chuyện, ngỏ lời xin lỗi thay Paris và đề nghị cùng nữ du khách đi báo cảnh sát. Người này cũng xác nhận chuyện tương tự vẫn thường xảy ra ở đây.
10 phút sau, Clara quay lại và nhóm lừa đảo đã thu dọn tất cả đồ đạc. Cô tin chúng sẽ quay lại vào hôm sau. Dù không báo cảnh sát, cô hứa với người bán hàng sẽ cảnh báo những du khách khác.
Hai tháng sau, tại điểm ngắm hoàng hôn nổi tiếng Piazzale Michelangelo ở Florence, Italy, cô thấy một phụ nữ châu Á đang bị cuốn vào trò lừa tương tự. Người này đã mất tiền lượt đầu và có vẻ đang phân vân nên chơi lần hai không?
"Đó là trò lừa đảo", Clara nói. Nữ du khách kia cười gượng, kéo người bạn của mình buồn bã rời đi. Trước kia, giáo viên thường dạy Clara nên im lặng, lo việc mình và tránh xa rắc rối. Do đó, cô cũng đắn đo khi xen vào chuyện người khác khi ở Florence.
Theo Kim, phụ nữ châu Á có xu hướng tránh làm lớn chuyện còn người phương Tây lại phản ứng mạnh mẽ, sẵn sàng đối mặt với vẻ kẻ gây rối, lừa đảo. Ở châu Âu, nơi có biên giới thông thoáng, cảnh sát đôi khi không đủ khả năng hoặc không bận tâm với những kẻ lừa đảo.
"Cách tốt nhất là đưa ra cảnh báo trước và tôi sẵn sàng kể ra câu chuyện của mình", Clara nói.
Hoài Anh (Theo Straits Times)