Sáng 31/10, sân bay ở khu vực Valencia, miền đông Tây Ban Nha, đã hoạt động lại sau hai ngày hứng chịu trận lũ quét lịch sử. Tuy nhiên, hành khách vẫn phải đối mặt với tình trạng chậm chuyến trong cả ngày. Hôm 30/10, 80 chuyến bay đến và đi bị hủy, hàng trăm du khách phải ngủ qua đêm tại sân bay Valencia vì gián đoạn giao thông.
Lãnh sự quán Bỉ tại Tây Ban Nha đưa ra khuyến cáo du khách không thể đến sân bay bằng các phương tiện công cộng. Một số tuyến đường bị chặn. Hàng trăm hành khách đã phải kéo vali và đi bộ đến khu vực sân bay Valencia.
Ngày 31/10, cảnh báo du lịch khẩn cấp đã được phát tới du khách Anh đang trên đường tới Tây Ban Nha sau khi xuất hiện một đoạn video cho thấy tai nạn thảm khốc trên đường cao tốc. Anh ghi nhận một nam du khách 71 tuổi thiệt mạng trong trận lụt.
Ngoài hàng không, dịch vụ đường sắt trong vùng cũng bị ngưng trệ, theo đơn vị điều hành cơ sở hạ tầng đường sắt quốc gia ADIF.
Chuyến tàu cao tốc từ Malaga đến Madrid chở 276 hành khách đã bị trật bánh ở khu vực Andalusia vào 29/10, cũng do tình trạng mưa lớn, tuy nhiên không xảy ra thương vong.
Các nhà khí tượng học cho biết lượng mưa tương đương một năm đã trút xuống các khu vực của Valencia trong vòng 8 giờ vào ngày 29/10, gây ngập lụt và lũ quét nghiêm trọng. Lũ cuốn trôi xe cộ, ít nhất 95 người đã thiệt mạng và nhiều người vẫn mất tích trong đợt mưa lũ lịch sử. Ngày 30/10, Tây Ban Nha tuyên bố quốc tang trong ba ngày để tưởng niệm những nạn nhân thiệt mạng.
"Lúc đầu mọi người rất vui mừng vì họ đã cầu mưa thời gian gần đây do hạn hán", Remedios, chủ một quán bar ở Utiel, thị trấn nằm trong vùng Valencia, nói khi nhớ về trận mưa rạng sáng 29/10. Nhưng đến 12h, bão ập đến. Nỗi sợ hãi đã thay thế cho niềm vui ban đầu của người dân.
Bị mắc kẹt trong quán bar, Remedios cùng các khách hàng chỉ có thể ngồi nhìn trận lũ lụt tồi tệ nhất Tây Ban Nha trong gần 30 năm trở lại và khiến nước sông Magro tràn bờ. Nước dâng cao mang theo bùn, đá và làm nứt mặt đường. Đường vào thị trấn ngập bùn đất, cây cối đổ rạp, xe cộ và thùng rác lăn lóc trên phố. "Sân hiên và ghế, mái che ngoài trời quán tôi đều bị cuốn trôi, đúng là thảm họa", Remedios nói.
Chiều 30/10, Thị trưởng Utiel, Ricardo Gabaldón, xác nhận một số cư dân của thị trấn đã không sống sót sau trận lũ, nhưng chưa thể cung cấp con số chính xác. Ricardo nói ngày thứ ba tuần này là ngày tồi tệ nhất trong cuộc đời ông.
Christian Viena, chủ một quán bar khác trong khu vực cho biết khu phố cô ở đã bị phá hủy, ôtô nằm chồng lên nhau, bị vỡ hoặc móp. Mọi thứ đều đổ nát hoàn toàn, không thể dùng lại được. Bùn dày tới 30 cm.
Tiến sĩ Friederike Otto, người đứng đầu bộ phận phân tích thời tiết thế giới tại Trung tâm chính sách môi trường, Đại học Hoàng gia London, cho biết Trái Đất nóng lên có thể khiến bầu khí quyển chứa nhiều độ ẩm hơn, dẫn đến những trận mưa lớn hơn. Trận lũ chết chóc này là một lời nhắc nhở về mức độ nguy hiểm mà biến đổi khí hậu mang lại.
Remedios cho biết khi mưa lũ xảy ra, quán của cô có một vị khách 73 tuổi. Ông nói chưa từng chứng kiến điều tương tự trong suốt 73 năm cuộc đời.
"Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là hậu quả của biến đổi khí hậu", Remedios nói.
Anh Minh (Theo Guardian, Euro News)