Kỳ thi tuyển công chức của Trung Quốc diễn ra hôm 26/11 với hơn ba triệu thí sinh, cạnh tranh cho 39.600 vị trí. Tính trung bình, một người phải cạnh tranh với 77 người (tỷ lệ chọi 1/77). Đây là con số kỷ lục, cho thấy người trẻ khao khát có công việc ổn định, khi cơ hội việc làm ở khu vực tư nhân giảm.
Xu hướng đáng chú ý là một số địa phương có chính sách tuyển dụng riêng với du học sinh, tách biệt với kỳ thi nói trên. Những người tốt nghiệp đại học top đầu, đặc biệt ở các ngành tài chính, kinh tế, công nghệ và điện toán có thể được miễn thi công chức. Một số điều kiện để ứng tuyển là phải giữ vai trò lãnh đạo trong các hội sinh viên ở trường, hay được trao học bổng chính phủ, có điểm học tập tốt.
Ứng viên được điều động đến khu vực nông thôn hoặc kém phát triển trong hai đến ba năm. Khi trở về, họ có nhiều khả năng được bổ nhiệm các vị trí cấp cao hơn. Trước đây, chính sách này chỉ áp dụng cho sinh viên các đại học hàng đầu trong nước như Thanh Hoa, Bắc Kinh, Phúc Đán.
Chính quyền Bắc Kinh cho biết sẽ chấp nhận đơn dự tuyển của sinh viên tốt nghiệp top 100 đại học hàng đầu thế giới (theo Shanghai Ranking - một trong ba bảng xếp hạng đại học uy tín nhất). Trong khi đó, Thượng Hải mở rộng đặc cách xét tuyển du học sinh từ 73 đại học hàng đầu bên ngoài đại lục, gồm hai trường ở Hong Kong.
Hồi đầu tháng 11, các quan chức ở tỉnh Tứ Xuyên nói sẽ áp dụng chính sách này để tuyển dụng một số sinh viên tốt nghiệp từ 52 đại học ở nước ngoài. Danh sách bao gồm các đại học Ivy League và một số trường danh tiếng khác ở Mỹ, một số trường ở Canada, Anh, Pháp, Australia, Nhật Bản, Singapore... Ứng viên cần có bằng tốt nghiệp nằm trong 24 lĩnh vực nghiên cứu, như thông tin điện tử, sản xuất thiết bị, kinh tế kỹ thuật số, nông nghiệp hiện đại và kỹ thuật hàng không vũ trụ.
Nhiều địa phương khác ra thông báo tương tự, như Quảng Đông, Sơn Đông, Hà Nam, Vân Nam, Trùng Khánh.
Việc mở rộng quy mô đặc cách tuyển dụng cho du học sinh gây tranh cãi.
Alfred Wu, phó giáo sư tại trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, cho biết trước đây Trung Quốc vẫn cử công chức tới các đại học hàng đầu ở nước ngoài để đào tạo. Nhưng hiện tại, du học sinh mới tốt nghiệp với chuyên môn phù hợp có thể đã đạt yêu cầu.
Trên China Newsweek, Giáo sư Wang Yukai của Học viện Quản trị quốc gia, nói việc trao cơ hội cho những người trẻ có kinh nghiệm, học tập ở nước ngoài vào hệ thống công vụ sẽ mang lại kết quả tích cực.
"Họ có thể có tầm nhìn rộng hơn. Những người học chuyên ngành khoa học hoặc công nghệ sẽ học được nhiều điều từ các nền công nghiệp tiên tiến ở các nước phát triển", ông nói.
Nhưng nhiều người giận dữ vì cho rằng các địa phương đang ưu ái du học sinh, trong khi sinh viên nội địa phải vất vả ôn luyện trong nhiều tháng trời. Lý do là kỳ thi công chức ở Trung Quốc nổi tiếng về độ cạnh tranh, chỉ những người có điểm số cao mới có cơ hội vào vòng phỏng vấn. Việc không phải dự thi được cho là lợi thế rất lớn đối với du học sinh.
"Nếu tự dự thi công chức, các sinh viên như vậy sẽ không bao giờ trúng tuyển. Nhưng họ lại được đặc cách vào công chức sau khi có bằng cấp nước ngoài", một người dùng mạng xã hội bình luận.
Kỳ thi tuyển công chức của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh thị trường việc làm ảm đạm do nền kinh tế chưa phục hồi sau đại dịch. Trong khi đó, 1,2 triệu du học sinh Trung Quốc về nước - lớn nhất từ trước đến nay, theo trang tuyển dụng 51job Inc. Ngoài ra, 11,6 triệu sinh viên tốt nghiệp các đại học trong nước.
Theo Cục Thống kê Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp ở người dưới 25 tuổi đạt kỷ lục 21,3% vào tháng 6. Nhiều người chọn học lên cao hoặc đổi chuyên ngành để tăng khả năng cạnh tranh.
Huy Quân (Theo University World News, Chinadaily, Caixin)