Tôi thực sự rất tâm đắc với những chia sẻ của tác giả Khánh Huyền trong bài viết Chảy máu chất xám. Bản thân tôi cũng có rất nhiều học trò xuất sắc đi du học nước ngoài, đặc biệt là du học sau đại học, diện có học bổng.
Nhiều người trong số họ và đặc biệt là người thân, bạn bè, những người xung quanh họ cũng trăn trở với câu hỏi "ở hay về", và "chảy máu chất xám".
Tôi cho rằng trong một thế giới kết nối có tính toàn cầu, ngoài việc phương tiện liên lạc và phương tiện giao thông giữa các quốc gia trở nên thuận lợi hơn thì thế giới cũng đang "phẳng" hơn, có những khía cạnh không còn ranh giới nữa.
(Xem thêm: Tôi không coi du học sinh là người tài)
Câu chuyện ở lại nước ngoài làm việc của du học sinh, về bản chất, chẳng khác gì câu chuyện hàng trăm ngàn cử nhân mỗi năm sau khi ra trường quyết tâm bám trụ lại các thành phố lớn để tìm kiếm cơ hội. Liệu một anh kỹ sư công nghệ thông tin xuất sắc sẽ đóng góp được gì cho quê hương nếu quay trở về vùng đồng ruộng chiêm trũng hoặc nơi vùng sâu, vùng xa? ... Có thể có, nhưng không thể nào bằng ở Hà Nội, TP HCM và đầu quân cho một tập đoàn công nghệ lớn.
Anh ta vẫn sẽ đóng góp cho quê hương theo cách nào đó: gửi tiền về quê cho bố mẹ, hỗ trợ nuôi dạy các em, xúc tiến việc mang khoa học- kỹ thuật về hỗ trợ cho quê hương ngay khi điều kiện chín muồi... hoặc đơn giản hơn là tấm gương, truyền cảm hứng cho lũ trẻ ở quê.
Cũng như vậy, nếu như GS Ngô Bảo Châu hoặc những người giống như ông về Việt Nam, liệu họ có được những có công trình tầm vóc thế giới không? Và những công trình đó- nếu có, liệu có bị xếp vào kho lưu trữ của một viện nghiên cứu cũ nát, lạc hậu nào đó?
Chia sẻ ý kiến của bạn tại đây.