"Tôi tìm về nơi mình đã lớn lên, ngôi nhà cũ của mẹ trên chế độ Street view của Google Maps. Đèn trong phòng ngủ của bà ấy vẫn sáng. Mẹ tôi vẫn ở đó. Đây vẫn là nhà của chúng tôi. Bức ảnh được chụp vào tháng 5/2009, lúc này, tôi vẫn về thăm nhà vài tháng một lần trên chuyến tàu Bodmin Parkway", Sherri Turner, nữ nhà văn nước Anh chia sẻ câu cuyện của mình lên Twitter hôm 16/6 và nhận được hơn 200 nghìn lượt thích, hàng chục nghìn lượt retweet.
Dưới câu chuyện của Turner, nhiều người cũng chia sẻ lại những khoảnh khắc xúc động của mình khi họ tìm về những hình ảnh trong quá khứ và vô tình bắt gặp người thân quá cố của mình. "Tôi đã khóc rất nhiều khi thấy hình ảnh một người đàn ông, ngồi đẩy xích đu cho con gái bên sân nhà. Đó là cha tôi và tôi của 12 năm trước. Ông ấy đã mất mấy năm trước, những hình ảnh này bây giờ là vô giá với gia đình. Tuần này chúng tôi quyết định tập trung lại và 'du hành thời gian' để ôn lại kỷ niệm xưa bằng Google Maps", Tori Quinnie viết.
Chế độ "du hành thời gian" trên Google Street View lần đầu được giới thiệu vào năm 2007. Ở đó, Google Maps liên tục cập nhật hình ảnh đường phố của 87 quốc gia thông qua camera 360 độ. Google cho biết có hàng triệu máy ảnh tham gia vào dự án đặc biết này. Ngoài đội ngũ chuyên môn, Google còn nhận hình ảnh được gửi về từ người dùng, những người đang đạp xe, chèo thuyền và đi bộ, miễn là hình ảnh của họ đủ chất lượng.
Mặc dù việc "du hành thời gian" giúp nhiều người tìm lại người thân quá cố không phải mục đích ban đầu, người phát ngôn của Google nói với Recode rằng tính năng này kiến mọi người "ấm lòng" khi sử dụng dịch vụ.
Tuy nhiên, tính năng xem ảnh đường phố của Google cũng gặp không ít phản đối. Nhiều người cho rằng họ có thể đang bị thiết bị của Google chụp lại mà không hề biết. Họ thậm chí không biết cách xoá những hình ảnh về người thân quá cố trên dịch vụ. Một số hình ảnh riêng tư có thể "vô tình bị xâm phạm".
Theo Vox, ở khía cạnh lớn hơn, các công ty công nghệ như Google đang nắm phần lớn quyền lực với dữ liệu cá nhân và những thông tin nhạy cảm. Người dùng không có quyền tự chủ trong việc xử lý dữ liệu liên quan đến mình hoặc người thân. Nghiêm trọng hơn nữa là cách tiếp cận của Google có thể không phù hợp với chuẩn mực tôn giáo và văn hoá liên quan đến người quá cố trên khắp thế giới. Năm 2013, một người đàn ông ở California đã yêu cầu Google xoá hình ảnh về cái chết của con trai mình mà hệ thống ghi lại.
Những người quá cố không phải hình ảnh bất ngờ duy nhất người ta tìm thấy trên Google Maps. Nhiều người tìm thấy rất nhiều ảnh kỳ lạ từ động vật hoang dã đến bão cát hoặc các địa điểm chưa được khai phá.
"Mọi thứ luôn có hai mặt, công nghệ cũng thế. Trong trường hợp này, chúng tôi cảm thấy vô cùng biết ơn vì mọi người trong gia đình có thể ngồi lại cùng nhau, xem lại những hình ảnh xưa cũ một cách đơn giản. Cảm giác rất hồi hộp vì có những khoảnh khắc bất ngờ đã rơi vào quên lãng giờ lại xuất hiện một cách chân thực", người dùng Kimnoi chia sẻ.
Khương Nha