Đương nhiên là đứa trẻ ra đời nhờ công nghệ này sẽ không bằng tuổi cha mẹ nó. Nó vẫn là một em bé bình thường và trong trường hợp trên, nó sẽ chỉ 33 tuổi khi nào ông bố của nó được 66 tuổi 9 tháng.
Bài và ảnh về cừu Dolly, cũng như bò, lợn, dê, chuột nhân bản vô tính vẫn được đăng nhan nhản trên các báo chí. Nhưng người ta đâu biết rằng phần lớn động vật nhân bản vô tính đều chết, thường là ngay trong giai đoạn phôi. Nhiều con ra đời với các đột biến quái dị. Những con “lành lặn” khi sinh thì sự sống sau đó cũng rất mong manh. Hiện khoa học cũng chưa nhân bản được linh trưởng, họ hàng gần nhất của con người.
Vậy những thử nghiệm nhân bản người đầu tiên sẽ có kết quả như thế nào? Hôm qua, nhà sinh vật học Rudolf Jaenisch, Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ, đã dự đoán về một tương lai không mấy sáng sủa:
1. Trong 100 lần nhân bản đầu tiên, chỉ có trên dưới 5 trẻ sinh ra còn sống.
2. Người mẹ thay thế có thể bị sẩy thai, hoặc đẻ khó vì bào thai và rau lớn một cách bất thường (ở động vật nhân bản, một số con lúc ra đời to gấp đôi bình thường).
3. Nhiều trẻ chết trong vài ngày hoặc vài tuần sau khi sinh do mắc các bệnh về tim, phổi, gan, thận.
4. Nhìn bề ngoài, có 1-2 trẻ em hoàn toàn bình thường, nhưng có những vấn đề không thể biết trước, chẳng hạn: Liệu thần kinh trẻ có bình thường không? Quá trình nhân đôi của tế bào có bình thường không? Liệu trẻ có bị chết sớm do hỏng hệ thống miễn dịch, có mắc các bệnh như ung thư hay lão hóa không?
Ông Jaenisch khẳng định: “Tất cả những chuyện đó hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng cái chết không đáng sợ. Tồi tệ nhất là nhân bản vô tính cho ra những con người vẫn sống và sống thực vật”. Và trong thực tế, cho dù những bậc cha mẹ mất con có đau xót đến mấy, cũng phải thừa nhận rằng nhân bản vô tính không thể nào trả lại cho họ đứa con đã chết. Chỉ có ADN của đứa trẻ là được sao chép lại, chứ các nhà khoa học làm sao tái tạo nổi môi trường sống và những gì nó trải qua trong đời để tạo ra một em bé mới có cá tính và nhân cách y hệt?
Đoan Trang (theo AP, 3/4)