Hội đồng bầu cử quốc gia vừa công bố danh sách 868 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, trong đó có 9 người tự ứng cử. Ông Trương Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, cho biết có hai lý do để ông quyết định tự ứng cử vào Quốc hội.
Thứ nhất, ông là đại biểu Quốc hội hai nhiệm kỳ, quen thuộc với nhiều lĩnh vực trong hoạt động của đại biểu dân cử ở cơ quan quyền lực cao nhất, từ quy trình lập pháp đến công tác giám sát, chất vấn, tranh luận, tiếp xúc cử tri, phản ánh và đôn đốc giải quyết nguyện vọng, bức xúc của người dân.
Do đã có nhiều kinh nghiệm, ông sẽ không mất thời gian tìm hiểu và thích nghi. 10 năm làm đại biểu Quốc hội cũng giúp ông có nhiều mối quan hệ công tác với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án và Viện kiểm sát, cũng như với các đoàn đại biểu Quốc hội khác. Công việc đại biểu Quốc hội của ông nhờ vậy sẽ có hiệu quả hơn.
Lý do thứ hai thôi thúc ông tự ứng cử là ở nhiệm kỳ này, chỉ có một luật sư được giới thiệu ứng cử. Quốc hội là cơ quan quyền lực của dân, có chức năng làm luật, giám sát tối cao, giám sát giải quyết khiếu nại tố cáo, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân và doanh nghiệp. Nếu có thêm đại biểu là luật sư chuyên nghiệp, được đào tạo và hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực pháp lý, Quốc hội sẽ có thêm ý kiến đóng góp thiết thực và hiệu quả.
"Tôi nhận thấy bản thân đủ khả năng, điều kiện chủ quan và khách quan để hoàn thành ngày càng tốt hơn chức trách đại biểu của nhân dân", luật sư Nghĩa nói.
GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân, là đại biểu Quốc hội đương nhiệm. Với những kinh nghiệm, đóng góp trong 5 năm là đại biểu Quốc hội khóa XIV, ông mong muốn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ là đại diện của dân, nói tiếng nói của dân và góp phần xây dựng thể chế sát thực tiễn, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân dân.
Với trên 36 năm làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học về kinh tế, là Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân, Phó chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội khoa học Kinh tế Hà Nội, ông Cường cho biết sẽ mang kiến thức, trí tuệ của cá nhân và tập hợp tri thức, trí tuệ của các nhà khoa học kinh tế đóng góp vào hoạt động của Quốc hội trong việc thảo luận, xây dựng mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế xã hội, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Qua các kết quả nghiên cứu về chống tham nhũng, cùng với những kinh nghiệm về lập pháp và giám sát trong thời gian là ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, GS Cường cho biết sẽ tích cực đóng góp vào việc xây dựng cơ chế giám sát quyền lực, chống tham nhũng ngay từ khâu xây dựng chính sách, luật pháp. Ông cũng tham gia giám sát quá trình thực thi pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, tài chính và các chương trình dự án kinh tế của đất nước.
Là người nghiên cứu và giảng dạy chuyên sâu về lĩnh vực quản lý đất đai và tài nguyên môi trường, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân sẽ có cơ sở để đóng góp kiến thức, hiểu biết vào việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về đất đai và bất động sản, tạo lập cơ chế, chính sách đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp trong các mối quan hệ về đất đai. Điều này sẽ góp phần giải quyết những khiếu kiện, tranh chấp về đất đai; hạn chế tình trạng đầu cơ tăng giá đất, bỏ đất trống không đưa vào sử dụng.
"Với những kinh nghiệm đã đóng góp về các cơ chế kinh tế trong quá trình xây dựng Luật môi trường, tôi sẽ tích cực giám sát, thúc đẩy việc thực thi chính sách và công cụ kinh tế môi trường để thực hiện cơ chế người gây ô nhiễm phải chi trả đúng, đủ chi phí bồi hoàn cho hậu quả ô nhiễm và khắc phục", ông nói.
GS Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội Huyết học và Truyền máu Việt Nam, cũng là đại biểu Quốc hội khóa XIV đương nhiệm. Với kinh nghiệm đúc rút qua một khóa đại biểu Quốc hội, ông mong muốn tiếp tục công việc này để đóng góp trí tuệ và sức lực xây dựng đất nước, nhất là trong điều kiện đã nghỉ hưu, có thể dành toàn bộ thời gian, toàn tâm toàn ý cho công việc của Quốc hội.
Với tư cách là cán bộ y tế, nguyên Viện trưởng Huyết học Truyền máu Trung ương cho biết sẽ quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề thuộc về y tế, như chất lượng khám chữa bệnh, tổ chức hiệu quả hệ thống y tế Việt Nam trong thời đại cách mạng 4.0; vấn đề tự chủ các bệnh viện.
Ngoài ra, ông sẽ tiếp tục lên tiếng phê phán những tiêu cực trong hoạt động mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc men; những thái độ tiêu cực, vô cảm của một số cán bộ y tế trong việc phục vụ nhân dân; góp ý để hoàn thiện hơn các luật liên quan đến y tế, như luật Khám chữa bệnh, Luật bảo hiểm y tế, Luật hiến ghép mô tạng...; góp sức và trí tuệ để phòng và chống Covid-19.
GS Trí cho biết, với tư cách là nhà khoa học, ông cũng quan tâm đến các vấn đề như đào tạo, giáo dục, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ đời sống nhân dân; ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng chính sách để chấn hưng một xã hội học tập, xã hội đọc, xã hội tri thức phù hợp với thời đại.
Là công dân Thủ đô, nếu tiếp tục được bầu làm đại biểu Quốc hội, ông Trí khẳng định sẽ tiếp tục đóng góp ý kiến về quy hoạch thành phố, xây dựng giao thông, hoàn thiện tổ chức chính quyền đô thị tiến bộ và hiệu quả; giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, ô nhiễm không khí, vệ sinh, an toàn thực phẩm...
"Với tâm huyết của mình, tôi sẽ tích cực làm tròn vai một đại biểu Quốc hội như kỳ vọng của cử tri; gần gũi, lắng nghe, tập hợp những tâm tư nguyện vọng của người dân và luôn ghi nhớ chính cử tri là người chỉ ra, nói cho biết những vấn đề cần phải bày tỏ tại Quốc hội", GS Trí chia sẻ.