VnExpress phỏng vấn TS Đinh Văn Minh về Quy định 37 của Ban chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm.
- Ông đánh giá thế nào về Quy định 37 với 19 điều đảng viên không được làm?
- Việc ban hành văn bản mới thay thế cho Quy định 47/2011 về những điều đảng viên không được làm là rất kịp thời, đáp ứng được những yêu cầu mới của công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng trong tình hình mới.
Một trong số những điểm mới là đảng viên không được sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, không hợp pháp; nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định.
Đảng viên cũng không được đe dọa, trù dập, trả thù người khiếu nại, tố cáo; không thực hiện các quy định của Đảng và pháp luật về bảo vệ người tố cáo, phê bình, góp ý; không được có hành vi chạy chức chạy quyền, tham ô hay thờ ơ, vô cảm với các hành vi sai trái trong xã hội...
Những điểm mới này sẽ khắc phục hạn chế qua thực tiễn 10 năm thực hiện Quy định 47. Xã hội luôn vận động và phát triển đòi hỏi chúng ta phải có nhận thức mới, giải pháp mới. Điều đó thể hiện quyết tâm cũng như sự nhanh nhạy của Đảng trong việc quyết tâm xây dựng Đảng với đội ngũ đảng viên trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là đảng cầm quyền, đảng của nhân dân.

TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Pháp chế, Thanh tra Chính phủ. Ảnh: Hoàng Thùy
- Một trong những điểm mới là Đảng viên không được chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định. Quy định này có ý nghĩa như thế nào?
- Đây là quy định quan trọng thể hiện định hướng của Đảng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, chú trọng tăng cường kiểm soát tài sản của cán bộ đảng viên để kịp thời phát hiện những bất thường, dấu hiệu của tham nhũng.
Chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài phải được kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn ngay từ đầu ý đồ phân tán, tẩu tán tài sản bất minh, có nguồn gốc từ tham nhũng; tránh để đến một lúc nào đó kẻ vi phạm khi có nguy cơ bị phát hiện sẽ "cao chạy xa bay" với khối tài sản đã có sẵn ở nước ngoài, thoát được sự trừng phạt của pháp luật cũng như bảo toàn được số tài sản đã chiếm đoạt.
Quy định này chính là một trong những biện pháp ngăn ngừa từ xa, bảo đảm thu hồi tài sản khi hành vi vi phạm của người có tài sản được làm rõ. Cũng có trường hợp không bị cấm đoán, chẳng hạn cán bộ, đảng viên chuyển tiền ra nước ngoài cho con học tập, sinh hoạt, nhưng tất nhiên số tiền đó phải minh bạch về số lượng và nguồn gốc.
- Trong điều kiện hiện nay, nếu đảng viên chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài, cơ quan chức năng sẽ kiểm soát bằng công cụ nào?
- Trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, việc chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài không quá khó. Pháp luật cũng đã có những quy định rõ ràng về mức trần số tiền mang đi, mang về mỗi lần xuất nhập cảnh và biện pháp xử lý khi xảy ra vi phạm. Việc chuyển tài sản, mua bán tài sản cũng phải làm thủ tục qua các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Các cơ quan hải quan, thanh tra, điều tra, kiểm soát tài sản thu nhập có quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin kịp thời khi thấy có dấu hiệu đáng ngờ để kịp thời có biện pháp ngăn chặn.
Việt Nam cũng tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng, hợp tác về tư pháp với nhiều quốc gia nên hoàn toàn có thể nhận được hỗ trợ từ phía cơ quan có thẩm quyền của nước bạn khi cần thiết để làm rõ tiền, tài sản chuyển dịch, giao dịch ở nước ngoài.
Vì vậy, có thể khẳng định rằng nếu đảng viên chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài, cơ quan chức năng có đầy đủ công cụ, cơ sở để phát hiện và xử lý, miễn là chúng ta thực sự quyết tâm.
- Trường hợp đảng viên nhờ người đứng tên hộ tài sản rồi chuyển ra nước ngoài thì kiểm soát thế nào?
- Đứng tên tài sản đã ẩn chứa rủi ro cho người có tải sản nên tôi không nghĩ việc này phổ biến. Thêm nữa việc chuyển tên, sang nhượng tài sản cũng phải làm các thủ tục theo quy định của pháp luật tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên các cơ quan chức năng có đủ điều kiện để xác minh, làm rõ.
Khi đã xác định được những dấu hiệu nghi ngờ về nguồn gốc hợp pháp của tài sản nào đó thì dù mang tên ai cũng có thể bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc chuyển dịch, tẩu tán tài sản ra nước ngoài.
- Thanh tra Chính phủ đã trình Dự thảo Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập để Thủ tướng xem xét, phê duyệt; xây dựng định hướng kế hoạch xác minh về tài sản, thu nhập năm 2022. Việc này có ý nghĩa như thế nào trong công cuộc phòng chống tham nhũng, thưa ông?
- Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm thực hiện quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng. Việt Nam sẽ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản, thu nhập để phục vụ cho việc quản lý, kiểm soát tài sản thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Trong đó, có thông tin về tài sản thu nhập trong các bản kê khai, kết quả thẩm tra, xác minh và thông tin cần thiết khác.
Cơ sở dữ kiệu có sự kết nối giữa các cơ quan nhà nước để bảo đảm việc theo dõi, khai thác và sử dụng thông tin khi cần thiết. Sau khi Đề án được phê duyệt, Thanh tra Chính phủ sẽ giúp Chính phủ soạn thảo và ban hành nghị định về cơ sở dữ liệu này làm cơ sở pháp lý xác định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tham gia, sử dụng, khai thác và bảo mật...
Việc xây dựng định hướng kế hoạch xác minh về tài sản, thu nhập năm 2022, làm căn cứ để các bộ, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện trong năm tới, xác minh ngẫu nhiên theo một tỷ lệ nhất định căn cứ vào tình hình tham nhũng trong các lĩnh vực quản lý hoặc tại địa phương. Việc xác minh vì những lý do khác như có căn cứ về sự không trung thực trong kê khai tài sản hay giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm, tố cáo có căn cứ về việc không trung thực trong kê khai tài sản, do yêu cầu của công tác cán bộ...
- Quy định 37 nêu rõ đảng viên không được nhập quốc tịch nước ngoài. Làm sao để kiểm soát được vấn đề này?
- Bất kỳ đảng viên nào cũng chịu sự kiểm soát của tổ chức Đảng và sự giám sát của nhân dân, đó là chưa kể còn chịu sự quản lý của các cơ quan nhà nước, sự giám sát của xã hội, đặc biệt là cơ quan truyền thông, báo chí.
Tôi nghĩ nếu chúng ta phát huy được hết hiệu quả của các phương thức này thì việc kiểm soát không quá khó khăn. Điều quan trọng là các cơ quan nhà nước cần biết lắng nghe, trân trọng và chắt lọc thông tin để có biện pháp kịp thời. Bên cạnh đó, chúng ta còn có sự hỗ trợ hợp tác của các nước trong vấn đề này nên mọi vi phạm, trong đó có việc nhập quốc tịch sẽ ngăn chặn được.