![]() |
Ảnh: Pro.corbis.com. |
Trong phần lớn các gia đình, cho dù làm việc ngoài xã hội nhiều bao nhiêu đi nữa, khi về nhà, người vợ vẫn phải đảm đương hết mọi công việc "không tên". Nếu được chồng thỉnh thoảng xắn tay giúp đỡ, họ đã cảm thấy hạnh phúc lắm rồi.
Thật ra, để chồng có thể chia sẻ công việc nhà một cách tự nguyện, vui thích không hẳn là điều quá khó đối với chị em.
Bổn cũ soạn lại
Nhìn cảnh chồng ngày nào về nhà sau khi tan sở cũng chẳng chịu đụng tay vào việc gì, chị Trang cảm thấy bức xúc mà không biết tỏ cùng ai. Anh nằm dài trên ghế salon, vừa nhâm nhi lon bia vừa đọc báo, cứ y như đang ở khách sạn. Đã thế, anh còn tỏ ra phớt lờ khi nhìn thấy chị loay hoay với cơm nước, tắm cho bọn trẻ hoặc nhanh tay sửa vội chiếc kệ bếp bị gãy đã hơn tuần.
Dường như đã quen với thông lệ, đi làm về là anh chỉ giải trí, thư giãn còn việc nhà cửa, bếp núc hiển nhiên là bổn phận của chị. Chồng chị Trang thường nói gần như ra lệnh: "Anh đi làm cả ngày mệt mỏi lắm rồi, về nhà chỉ muốn nghỉ ngơi và không muốn bị ai quấy rầy. Lương tiền hàng tháng không thiếu, em cứ liệu đấy mà thu xếp mọi việc trong nhà".
Chị phàn nàn với người thân, bạn bè rằng mình phải cặm cụi trong gian bếp nhỏ hẹp, giặt giũ quần áo, lau chùi nhà cửa, trong khi giờ hành chính vẫn phải làm việc như anh. "Từ lúc mới cưới nhau đã như thế, khi có con mọn anh cũng mặc và đến tận bây giờ, mọi việc vẫn y như cũ", chị than thở
Khéo léo để "dụ" chồng
Chị Trúc, nhân viên quản lý của một nhà hàng chia sẻ bí quyết: "Người vợ nên biết nói những lời ngọt ngào, nhỏ nhẹ và tỏ ra thật vui sướng, hạnh phúc khi nhận được sự giúp đỡ, quan tâm từ phía anh ấy". Theo chị, chẳng có ông chồng nào đủ can đảm để từ chối những lời đề nghị đáng yêu của vợ mình như: "Anh ơi, trông hộ em nồi cơm nhé!" hoặc "Giỏ áo quần này nặng quá anh à!". Các bà vợ cũng tránh nói những câu theo kiểu ra lệnh cho chồng, buộc anh ấy phải làm như thế này, như thế kia, hay cằn nhằn, ca cẩm... Vì chúng chỉ gây tác dụng ngược lại.
Ở gia đình chị Trúc, mỗi khi nhà có việc, hai vợ chồng thường cùng nhau lăng xăng trong bếp, vợ nấu, chồng bưng hoặc vợ cầm vật nhẹ, chồng vác vật nặng. Họ vừa làm việc vừa cười nói vui vẻ. Một đồng nghiệp của chị Trúc tấm tắc: "Phải công nhận bà này huấn luyện chồng hay thật đấy. Giá mà ông xã tương lai của mình cũng được như phu quân của bà thì thật phúc".
Thoạt đầu, các ông chồng có thể chưa quen việc nhà, mọi thứ sẽ không theo như ý muốn của vợ, nhưng bạn đừng vội chê bai hay phàn nàn gì cả. Nếu cần góp ý, bạn nên nhẹ nhàng và đừng nói ngay lúc ấy vì sẽ làm chồng cảm thấy chán, mất tự tin và dần dần họ sẽ rút lui. Những người vợ khôn ngoan, khéo léo sẽ biết khích lệ chồng ngay khi anh ấy bắt đầu tham gia vào việc nhà.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)