“Không còn cách nào khác bởi ngó sen bán cả ngày mà không ngâm chất tẩy trắng thì không thể giữ được màu sắc trắng đẹp. Mà sản phẩm không đẹp thì người mua sẽ chê”, chị Hằng, chủ quầy bán rau cải tại chợ An Đông, quận 5 thừa nhận.
Chân gà trắng phau là món từng bị phát hiện ngâm ôxy già. Ảnh: Thiên Chương. |
Một dòng sản phẩm khác cũng phải luôn được "mông má" là loại chân gà rút xương dùng để chế biến món gỏi. Chị Hoa, chuyên kinh doanh thực phẩm tại chợ Bình Tây, quận 6 cho biết, sau khi giết mổ gà, ngoài phần thân được mang đi bán thịt, chân gà công nghiệp được loại riêng.
“Sau công đoạn rút xương, phần da và gân của chân gà sẽ được ngâm tẩy để từ màu trắng ngà trở thành trắng tinh. Nhờ công đoạn này, chân gà sau khi chế biến sẽ đẹp mắt hơn”, chị Hoa tiết lộ.
Tại một điểm kinh doanh tại quận 3, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM từng phát hiện gần 200 ký chân gà thâm tím đã và đang được làm trắng bởi dung dịch ôxy già. Cạnh số chân gà đang xử lý là chân gà thành phẩm trắng phau.
Tại quận Bình Tân và quận 6, hai cơ sở chế biến bì lợn đã "phù phép" để biến những mảng da bốc mùi hôi thối trở thành những sợi bì trắng nhờ ngâm hóa chất và dung dịch ôxy già. Tại quận 10, hàng trăm ký thịt bò quá hạn sử dụng, thậm chí nhiều lô thịt bị hỏng đã bị phát hiện đang được chế biến thành khô bò.
Không chỉ làm trắng đẹp sản phẩm, thực phẩm còn được nhuộm các loại màu sặc sỡ để che đậy thực tế. Chủ một quầy vịt quay trên đường Nguyễn Văn Linh, quận 8 thừa nhận, sau khi quay, nếu màu vịt còn tai tái thì khách không ưa chọn. “Chính vì thế chúng tôi phải pha thêm phẩm màu để quét lên cho đẹp mắt”, ông này nói.
Anh Quang, bán gà tại một chợ ở Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng: "Chúng tôi cũng có muốn nhuộm vàng gà đâu, nhưng không nhuộm thì các bà đi chợ cứ nâng lên rồi đặt xuống. Thậm chí có người còn bảo gà trắng là gà chết".
Trong khi thực tế, bình thường con gà có màu vàng nhạt, một số con ăn nhiều ngô có thể có màu vàng đậm hơn một chút nhưng màu vàng không đều. Những con nào có màu vàng ruộm, vàng sẫm, màu vàng đều tăm tắp từ đầu đến chân thì nhiều khả năng là do nhuộm vàng.
Vịt quay được trang điểm bằng phẩm màu. Ảnh: Thiên Chương. |
Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, chính thói quen thích mua gà vàng, da căng mà người tiêu dùng tự làm khổ mình. Gà vàng là do nhuộm, da căng là do người bán bơm nước dưới mặt da làm cho mặt căng. Con nào mà khớp đùi, cánh dô lên thì rất có thể do bị bơm nước, để làm tăng trọng lượng.
Măng cũng là loại thực phẩm dễ bị ngâm tẩm hóa chất vì dễ đổi màu, thậm chí vừa luộc ra măng đã thâm đen. Bình thường với măng tươi không ngâm tẩm hóa chất, mua về ngâm muối để trong tủ lạnh thì cũng phải ăn ngay trong 2-3 ngày, lâu hơn là hỏng. Vì thế, người bán thường cho một chút hóa chất để măng tươi được mềm, giòn, hấp dẫn, lại để được lâu.
"Đối với măng khô, muốn ngâm, luộc để bán không nát và hỏng thì cứ cho chút bột trắng vào, tối luộc sáng bán ngay. Ngâm chất này bán cả tháng măng vẫn vàng, mềm, đẹp", một chủ cửa hàng ở chợ Thành Công cho biết.
Một chuyên gia của Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, hiện hóa chất và chất phụ gia thực phẩm được bày bán rất tràn lan nhưng không được quản lý một cách chặt chẽ. Trong khi đó nếu lạm dụng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Chẳng hạn, trong ngâm măng có rất nhiều hóa chất được phép sử dụng như sodium sulphite (Na2SO3), sodium hyposulfite (Na2S2O3)... Tuy nhiên, cùng là tên hóa chất đó thì chỉ có loại tinh khiết mới được dùng trong thực phẩm.
Vì thế, theo vị chuyên gia này, để an toàn khi mua măng về, người tiêu dùng nên luộc kỹ trước khi chế biến vừa giúp loại bỏ phụ gia thực phẩm tẩy măng vừa loại độc tố trong măng. Măng luộc không kỹ có thể gây ngộ độc cấp với biểu hiện nhức đầu, chóng mặt buồn nôn, nặng có thể tử vong.
Ngay cả khi đã luộc kỹ, món măng (nếu được dùng thường xuyên) cũng có thể gây ngộ độc mạn tính, khiến cơ thể suy nhược, mệt mỏi, yếu. Nguyên nhân là vì trong măng có chứa nhiều chất HCN, khi vào cơ thể sẽ biến thành chất độc.
Anh Huỳnh Văn Truyền, người từng nhiều năm kinh doanh tạp hóa tại chợ Bình Tây quận 6, nay đã chuyển nghề, cũng cho rằng, chuyện "trang điểm" cho thực phẩm thời nào cũng có. Điều này xuất phát từ hai nguyên nhân, một là người bán làm ăn gian dối, hai là do người tiêu dùng có thói quen chuộng thức ăn có hình thức bắt mắt.
Theo hướng dẫn của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), với những loại thực phẩm dễ ngâm tẩm hóa chất, nhuộm màu như vịt quay, chân gà nướng, măng, bì lợn... thì người tiêu dùng nên chọn mua loại có màu tự nhiên. Chẳng hạn, với măng đã ngâm, nên chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng của các cơ sở uy tín. Măng ngon là măng có mùi thơm đặc trưng, nếu có màu trắng, vàng bất thường và có mùi lạ khó chịu thì không nên sử dụng. Hay khi chọn mua gà mổ sẵn thì chọn con có màu vàng nhạt hoặc hơi đậm một chút nhưng màu vàng không đều...
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM khuyến cáo, người tiêu dùng không nên mua những sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc cảm quan thấy không an toàn. Tránh mua các loại thực phẩm nghi ngờ có dùng hóa chất như: thực phẩm chế biến có màu quá lòe loẹt hoặc trắng sạch quá mức, không nên mua những thực phẩm có dấu hiệu không còn tươi.
Thiên Chương - Phương Trang