Ông Nguyễn Văn Thanh. Ảnh: Đoàn Loan. |
- Ông nghĩ sao về đề xuất thu phí lưu hành phương tiện và tăng gấp đôi lệ phí trước bạ của TP HCM?
- Tình trạng ùn tắc giao thông tại TP HCM ngày càng nghiêm trọng, số vụ tăng gấp 4 lần so với những năm trước. Do đó cần phải mạnh tay thực hiện các giải pháp chống ùn tắc.
Đề xuất thu phí của TP HCM dựa theo kiến nghị của Bộ Giao thông trình Chính phủ và Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu để đưa ra mức phí hợp lý. Người dân sẽ phải tính toán kỹ khi mua xe mới vì phí trước bạ không còn ở mức 5%.
Thu phí phương tiện và tính phí trước bạ cao đã được áp dụng ở nhiều nước. Ở Singapore, Chính phủ quy định mỗi năm cho phép tăng bao nhiêu ôtô, người dân có tiền cũng không chắc được mua mà phải xếp đơn và được đồng ý của nhà nước. Đi vào phố trung tâm giờ cao điểm cũng mất tiền. Họ thu bằng thẻ từ chứ không phải ngăn đường thu phí.
- Quan điểm của ông là cần phải thu phí, vậy thời điểm áp dụng nên tiến hành khi nào?
- Tình trạng ùn tắc ở các thành phố lớn quá nghiêm trọng, do đó cần phải triển khai thu phí ngay để giảm phương tiện cá nhân, lấy kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng, bù giá cho vận tải công cộng.
Bộ Giao thông đề xuất chủ trương, còn Bộ Tài chính nghiên cứu mức thu cụ thể. Tiền thu được sẽ nộp nhà nước, sau đó cấp lại để đầu tư cho các thành phố theo đúng chính sách.
- Nước ngoài thu phí lưu hành và phí đăng ký xe cao vì cơ sở hạ tầng giao thông tốt, phương tiện công cộng thuận lợi, thu nhập người dân cao. Ông nghĩ gì trước ý kiến trên?
- Nếu đời sống khó khăn thì tại sao anh lại có ôtô, xe máy? Tôi đồng tình với quan điểm tăng phí trước bạ để hạn chế xe đăng ký mới. Người ta đã có tiền mua ôtô sẽ không ngại chi phí thuế trước bạ. Tôi được biết TP HCM có đưa ra mức thuế đăng ký mới đối với từng loại ôtô, xe máy để áp dụng linh hoạt.
Ùn tắc giao thông xảy ra phổ biến ở Hà Nội và TP HCM. Ảnh: Hoàng Hà.
- Năm 2007, đề xuất thu phí phương tiện của Cục Đường bộ từng vấp phải sự phản đối của dư luận. Ông giải thích thế nào trước ý kiến cho rằng các chính sách sẽ khó thực hiện nếu không tính đến lợi ích của người dân?
- Nhiều người phản đối vì quy định trên đánh vào túi tiền của họ. Nhưng theo tôi dù bị phản đối vẫn phải áp dụng để giảm ùn tắc.
Vừa qua, Bộ Giao thông đã đề xuất tới Chính phủ 4 giải pháp đồng bộ. Trước tiên là quy hoạch đô thị, khu dân cư, hành chính, trường học, bệnh viện, nhà máy riêng biệt. Đáng lẽ, việc này phải làm cách đây hàng chục năm song các thành phố không làm được, khi đã xây dựng rồi thì di dời rất khó.
Ngoài ra, các thành phố phải dành quỹ đất cho giao thông và phát triển các loại hình vận tải công cộng khác. Bây giờ xe buýt không phát triển được vì đường đã chật cứng, nên phải phát triển tàu điện ngầm. Sau đó là thu phí lưu hành để hạn chế phương tiện cá nhân, đây là biện pháp kinh tế cần thiết.
Nếu Hà Nội và TP HCM không mạnh dạn làm thì sẽ không thay đổi được tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay. Tuy nhiên, phải làm tất cả các biện pháp lần lượt, đồng bộ. Ví dụ lãnh đạo Hà Nội, TP HCM đưa ra quyết định cấm xây dựng nhà cao tầng trong trung tâm đồng thời với quyết định thu phí, để người dân giám sát thì tôi nghĩ dân sẽ đồng tình.
Đoàn Loan thực hiện