Bộ trưởng Công nghệ Hungary Lazlo Palkovics ngày 22/8 miễn nhiệm giám đốc Cơ quan Khí tượng Quốc gia (NMS) Kornelia Radics và cấp phó Gyula Horvath nhưng không nêu lý do cụ thể.
Quyết định được đưa ra một ngày sau khi truyền thông thân chính phủ Hungary chỉ trích NMS vì dự báo sai lệch khiến sự kiện bắn pháo hoa ngày 20/8 bị hủy.
Bộ Công nghệ Hungary không phản hồi đề nghị bình luận từ AFP.
![Tòa nhà quốc hội Hungary ở thủ đô Budapest ngày 1/7/2021. Ảnh: Reuters.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/08/23/2021-07-01T145838Z-1625151542-8909-7248-1661221715.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Tg4d1ZUtAkgHUKtaBq1ULw)
Tòa nhà quốc hội Hungary ở thủ đô Budapest ngày 1/7/2021. Ảnh: Reuters.
Sự kiện pháo hoa, được mô tả là "màn trình diễn lớn nhất châu Âu", theo kế hoạch diễn ra tối 20/8 để mừng Ngày Thánh Stephen ở Hungary. Khoảng 40.000 quả pháo hoa được bố trí tại 240 điểm phóng, nằm dọc 5 km theo sông Danube ở trung tâm thủ đô Budapest.
7 giờ trước khi sự kiện bắt đầu, chính phủ Hungary quyết định hoãn lại một tuần vì nhận được các cảnh báo thời tiết cực đoan. Tuy nhiên, đợt mưa bão mà NMS dự báo đã chuyển hướng vào miền đông Hungary, hoàn toàn không ảnh hưởng đến Budapest.
NMS ngày 21/8 thông báo xin lỗi, viện dẫn "tính dễ thay đổi trong ngành khí tượng" và kịch bản "ít khả năng nhất" đã xảy ra.
Phe đối lập trước đó kêu gọi chính phủ Hungary hủy bắn pháo hoa, chỉ trích đây là "lãng phí tiền vô ích" trong bối cảnh kinh tế nước này còn khó khăn. Theo BBC, gần 100.000 người đã ký đơn kiến nghị kêu gọi Budapest dừng sự kiện.
Năm 2006, sự kiện bắn pháo hoa từng bị ảnh hưởng bởi một cơn bão dữ dội khiến 5 người thiệt mạng và vài trăm người bị thương, gây ra hoảng loạn trên diện rộng với hơn một triệu người đã tụ tập để thưởng thức màn trình diễn bên bờ sông Danube.
Như Tâm (Theo BBC, AFP)